Có thể nói Huỳnh Văn Nghệ là một trong những người có công đầu trong việc thành lập và củng cố chiến khu Đ. Ông là người giữ trọng trách cao nhất về quân sự ở đây trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Chi đội trưởng Chi đội 10, Chỉ huy trưởng Vệ quốc đoàn Biên Hòa, Khu bộ trưởng Khu 7… Những năm tháng ấy, từ người dân bình thường đến các cán bộ, chiến sĩ Vệ quốc đoàn khu vực Biên Hòa, Bà Rịa, Tây Ninh đều nhắc đến ông với lòng cảm phục, trìu mến. Người ta biết đến ông không chỉ là một vị chỉ huy quân sự tài ba, mà còn là một nhà thơ chiến sĩ. Ông là tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhất đất Thăng Long. Và cũng chính ở chiến khu Đ, chiến khu của miền Đông gian lao mà anh dũng, Huỳnh Văn Nghệ đã viết được những câu thơ, bài thơ đẹp nhất của đời mình.

Chiến khu Đ được xây dựng thành căn cứ chính thức của tỉnh Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai ngày nay) từ tháng 5 năm 1946. Sự kiện này đã được Huỳnh Văn Nghệ ghi lại trong bài thơ “Du kích Đồng Nai”:

Chiến khu Đ có từ thuở ấy

Có một anh đồng chí

Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 40

Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai

Lập chiến khu nuôi chí lớn.

Ngòi bút của vị chỉ huy kiêm thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã ghi lại khá đầy đủ cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta ở chiến khu Đ. Những năm tháng ấy:

Cành lá ngụy trang múa reo trên mũ áo

Cơm vắt bao đêm ngày không đỏ lửa

Thương đồng chí anh nuôi cặp mắt mơ màng

Chiếc nồi đồng há miệng thênh thang

(Hành quân)

Khó nói hết những khó khăn gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở chiến khu Đ phải chịu đựng, nhất là bão gió, lụt lội-điều hiếm thấy xảy ra ở miền Đông Nam bộ. Thật khó quên trận bão lụt năm Thìn-1952:

Rùng rợn giữa đêm mưa

Tiếng vợ khóc gọi chồng chới với:

“Con trôi rồi, con trôi theo bè chuối”…

(Chiến khu Đ chống bão)

Nhưng cũng chính trong gian khó, nguy nan, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam bộc lộ rõ nhất. Chiến khu anh hùng tụ về những người con gan dạ, dũng cảm, chiến đấu và lao động quên mình. Trong bài thơ “Nấm mộ giữa rừng”, Huỳnh Văn Nghệ đã viết:

Đêm thao thức bên lò lựu đạn

Ngày say sưa máy tiện máy bào

Quá sức ốm đau

Chén thuốc rễ cây rừng không cứu được.

Mặc dù cuộc sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta ở chiến khu Đ là cuộc sống thiếu thốn, khó khăn nhưng chính nơi đây, nơi “xã hội chiến khu Đ” này, hình ảnh của một xã hội mới còn đơn giản nhưng đã rõ nét-xã hội của tình thương và trách nhiệm, xã hội của tình đoàn kết gắn bó keo sơn đầy cảm động:

Củ mì luộc chia đôi chấm muối

Mặn bùi tình nghĩa anh em

Cửa mở suốt đêm

Doanh trại, nhà dân, cơ quan Chính phủ

Chung một mái tranh

Cởi mở tâm tình

Rách lành manh áo che thân

Không phân biệt nhân dân, cán bộ

(Rừng đẹp)

Những gian khổ hi sinh ở chiến khu Đ đều được hóa giải bằng cái nhìn trong trẻo, lạc quan đến lạ thường. Có một chiến khu Đ khác rất thơ mộng trong thơ Huỳnh Văn Nghệ:

Xuân vẫn về đây giữa chiến khu

Rừng thiêng nay bỗng hết âm u

Núi non hớn hở thay màu áo

Suối biếc ngân reo chuỗi hạt châu

(Xuân chiến khu)

Nhưng chiến tranh đâu phải trò đùa! Đất nước quê hương lẽ ra phải đẹp hơn vạn lần nếu không bị quân xâm lược giày xéo. Ở chiến khu, Huỳnh Văn Nghệ luôn thao thức về quê hương Tân Uyên của ông:

Thuở thanh bình yêu mến

Gái quê họp chợ má hồng tươi

Thuyền bốn phương về đây lưu luyến

Bên dòng sông xanh êm thắm nhẹ nhàng trôi

(Mất Tân Uyên)

Chiến khu Đ luôn là nơi xuất phát, nơi chuẩn bị cho những chiến công oanh liệt với khí thế sục sôi xung trận:

Lệnh truyền xuống tiếng reo hò vang dậy

Lửa Tân Uyên cao ngọn đuốc tưng bừng

Ra mặt trận chen chân trai lẫn gái

Mang tàu cau mẹ bám gót dân quân…

(Mất Tân Uyên)

Và suốt chín năm kháng chiến, chiến khu Đ lẫy lừng cả nước vì sự dũng cảm kiên cường, xây dựng nên truyền thống “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Truyền thống anh hùng của chiến khu Đ mãi mãi là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ, mọi người dân miền Đông Nam bộ. Và, hình ảnh vị chỉ huy Huỳnh Văn Nghệ văn võ song toàn, một nhà thơ chiến sĩ “tay gươm, tay bút” tài hoa như tạc vào lịch sử, vẫn sống mãi với thời gian cùng những vần thơ chân thành, mộc mạc về một thời hào hùng của đất và người Nam bộ-chiến khu Đ.

HOÀNG ĐÌNH THÀNH