QĐND - Cụ Nguyễn Du trong thiên tuyệt bút “Truyện Kiều” tả chị em cô Kiều vừa đẹp người, đẹp nết, đẹp từ tiếng cười đến giọng nói: Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. “Hoa cười ngọc thốt” là thành ngữ cổ, ước lệ nói về nụ cười tươi như hoa, lời nói đẹp như ngọc. Đấy là tả cô Thúy Vân. Một con người có nụ cười, giọng nói như thế, tức cười thì duyên, nói thì hay, nói ra những điều dễ nghe, êm dịu thì luôn gặp niềm vui, phúc đức trong cuộc đời. Diễn biến trong truyện là đúng như vậy.

“Truyện Kiều” kết tinh từ tục ngữ, ca dao, từ tâm hồn, lối sống, tính cách dân tộc. Người Việt từ xưa đã có quan niệm: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người ngoan nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Như vậy đích đáng là người ngoan, người văn minh lịch sự, thì theo truyền thống không phải là người nói tục, chửi bậy. Và người xưa còn đưa ra tiêu chí hẳn hoi khi chọn người, nhất là chọn con gái về làm dâu: Vàng thì thử lửa thử than/ Đồng thau thử tiếng người ngoan thử lời. Rõ ràng cha ông ta đã quan niệm ngôn từ gắn liền với nhân cách, một biểu hiện của nhân cách. Hình như các nhà văn thời hiện đại cũng chứng minh điều này: Một nhân vật Nghị Hách đểu cáng mà giàu có trong “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng thì mở miệng ra là thề tục, là “nước mẹ gì”… Một nhân vật Xuân Tóc đỏ “ma cà bông” trong “Số đỏ” thì có ngôn ngữ của bọn lưu manh đầu đường xó chợ. Một nhân vật Chí Phèo của Nam Cao vì bị áp bức đến cùng cực phải sống kiếp tha hóa loài vật nên luôn có hành vi chửi và ăn vạ, chỉ khi ngấp nghé về với bến bờ cuộc đời thì nó mới có ngôn ngữ của con người…

Ngạn ngữ phương Tây quan niệm đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, còn tiếng nói là hơi thở của tâm hồn. Trong thời buổi toàn cầu hóa thì người ta triết lý hiện đại hơn: Thay đổi ngôn từ của bạn thay đổi thế giới của bạn. Nghĩa là ngôn từ gắn liền với đời sống con người, thay đổi ngôn từ tức là thay đổi đời sống. Ngẫm kỹ thấy đúng vậy. Đi sang một nước khác tức thay đổi ngôn ngữ khác. Ngay ở trong một nước, nghề nào ngôn từ ấy, thay đổi ngôn từ có nghĩa là thay đổi nghề, thay đổi hoàn cảnh sống. Cái ý sâu xa của triết lý trên cũng dễ thấy: Dùng ngôn từ tốt đẹp thì bạn sẽ gặp một cuộc sống tốt đẹp.

Nhưng ở xã hội ta hôm nay lại xuất hiện một bộ phận người hay nói tục, chửi bậy, đáng tiếc là trong số đó lại có những người là cán bộ, công nhân viên, thậm chí có người là văn nghệ sĩ… Tôi có anh bạn là một nghệ sĩ thuộc diện tên tuổi, nghệ sĩ thường hay khác người, ăn mặc khác người, tóc tai râu ria khác người, và ngôn ngữ anh dùng cũng khác người, nghĩa là rất hay nói tục. Tôi biết anh là người tốt nhưng cái thói quen xấu đã ăn sâu vào anh. Khi nói anh không xấu hổ vì có khi anh không ý thức về điều đó nhưng người nghe thì ngượng. Khổ nhất là có hôm vui bạn bè uống đôi chén rượu, thế là anh nói, lời hay ý đẹp không thấy đâu mà toàn là sự tục tĩu. Thành ra bữa liên hoan mất hết ý nghĩa của sự giao lưu vui vẻ, ý nhị… Chắc chắn anh không phải là trường hợp cá biệt mà còn rất nhiều người nữa.

Đi tìm nguyên nhân ư? Trước tiên đấy là một thói quen xấu, mà thói quen thì rất khó điều chỉnh. Thói quen do người ta vô ý mà bắt chước nhau. Anh bạn tôi kể anh nhiễm tật xấu ấy từ chính người cha mình cũng là một nghệ sĩ. Chắc con anh lại sẽ đi vào con đường ấy nếu anh không dày công uốn nắn. Nhưng gần đây anh đã khảng khái: Nghiện rượu, nghiện thuốc còn bỏ được thì nói tục cũng bỏ được, dù khó. Tôi tin anh!

Từ trường hợp này ta thấy cái gốc là sự giáo dục văn hóa, mà bắt đầu là từ gia đình, rồi giáo dục trong nhà trường, trong cơ quan, mỗi người tự giáo dục chính mình, mỗi người lớn tự ý thức về lời nói của chính mình. Các cụ ta dạy: “Chó ba khoanh mới nằm, người ba năm mới nói”, âu cũng là dạy người ta chọn cách nói, chọn lời nói, chỉ nói cái gì có ý nghĩa, nói những gì tốt đẹp, cho mình, cho gia đình, cho người khác, rộng hơn là cho xã hội.

NGUYỄN THANH