Với sự tham gia cộng tác của một số nhà văn, nhà thơ, những cây bút tên tuổi trong giới trí thức đã cung cấp đến bạn đọc những câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc, xúc động về Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời. Bên cạnh đó là những tấm gương sáng của các văn nghệ sĩ, trí thức trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khẳng định bản Di chúc là tác phẩm vô giá trong di sản tinh thần Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta, nhà văn LÊ XUÂN ĐỨC trong bài “Bản di chúc sống”, nhấn mạnh: Di chúc kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn vô cùng cao thượng và phong phú, trong sáng và đẹp đẽ của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc và nhân loại, trở thành một văn kiện lịch sử có một không hai.

“Mối giao cảm vĩ đại” (GS PHONG LÊ) là bài viết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác văn hóa, văn nghệ. Lúc sinh thời, Bác xem văn hóa-văn nghệ như một hoạt động cải tạo, sáng tạo thế giới của con người. Không nhận mình là nhà văn nghệ, nhưng tất cả ý kiến của Bác về “chuyên môn” đều khiến ta ngạc nhiên về sự chân xác một cách giản dị, bởi Bác là người am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ở mỗi ý kiến của Bác, trong hình thức ngắn gọn, và tự nhiên, đều thấy sự hàm chứa biết bao kinh nghiệm của cả một đời từng trải...

Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG trong bài “Bí quyết cầu hiền tài của Bác Hồ” cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trọng người hiền tài. Hiểu được vai trò của trí thức, hiền tài, nên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác đã kiên trì vận động, thuyết phục được rất nhiều trí thức, nhân tài lớn đi theo cách mạng. Những lần “tam cố thảo lư” của Bác để lại cho chúng ta nhiều bài học về thu hút, sử dụng nhân tài hiện nay.

Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca và nghệ thuật. Hình tượng Bác đi vào thi ca và nghệ thuật một cách hồn hậu, tự nhiên và tỏa sáng lâu bền không chỉ trong lòng dân Việt Nam mà lan tỏa ra nhân loại bao la. Đó là nội dung của các bài viết: “Hồ Chí Minh, từ truyền cảm thi ca bền lắng” (nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ); “Hình tượng nghệ thuật đặc biệt” (TUYÊN HÓA); “Tên Người là cả một niềm thơ” (TS NGUYỄN TRỌNG HOÀN); “Madeleine Riffaud: Suốt đời nặng lòng với Đất Việt” (NHẬT NGUYỄN); "Nữ điêu khắc gia đắp tượng Bác" (TRẦN THỊ QUỲNH NHƯ); "Vẽ 1.000 bức tranh Bác Hồ" (TÙNG LÂM); "Những nét vẽ từ trái tim" (THÚY AN); "Bảo vật bằng lá thốt nốt" (HIỂN VINH); “Mối tình “bông huệ trắng” (VĂN TUẤN-HOÀNG VIỆT)... Số báo đặc biệt cũng trích đăng một số bài thơ về Bác được hàng triệu trái tim người đọc rưng rưng xúc động như: “Theo chân Bác” (TỐ HỮU); “Người đi tìm hình của nước” (CHẾ LAN VIÊN); “Viếng Lăng Bác” (VIỄN PHƯƠNG); “Cháu nhớ Bác Hồ” (THANH HẢI)... Tranh cổ động về Bác của các họa sĩ: QUANG CƯỜNG, MẠNH TIẾN.

Các bài viết trên số báo cũng cho thấy vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc là người rất am hiểu, luôn tỉ mỉ, động viên, chia sẻ với công việc của những người làm nghệ thuật, những chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo như: “Bác có phải là vua đâu!" (TRẦN BIÊN); “Nhà kiến trúc đại tài” (ĐÔNG ANH); “Bác Hồ với quân nhạc” (ĐINH CÔNG THUẬN-TRỊNH NGHĨA); “Chú nên đổi tên là Thảo” (nhà văn TRẦN HỮU TÒNG).

50 năm thực hiện Di chúc của Bác, trên dải đất hình chữ S có biết bao tấm gương tập thể, cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã nguyện cống hiến trí tuệ, tinh thần nhiệt huyết của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều này được thể hiện qua các tác phẩm: “Lòng người đất Sen Hồng” (THẾ HIỂN); “Xây đền thờ Bác ở miền Cửu Long” (NGUYỄN KIỀU); “Chúng tôi mang họ Hồ” (PHAN TIẾN DŨNG); “Hạnh phúc theo chân Bác (AN BÁCH); “Giáo sư U.90 không ngừng học” (HÀ THANH MINH); “NSND Tiến Hợi: 40 lần vào vai Bác Hồ” (DƯƠNG THU); “Nhớ mãi vai diễn để đời” (HẠNH TRANG); “Huấn luyện viên Mai Đức Chung: “Tôi là đảng viên” (KHOA MINH); “Mong ước của Kiều Lê” (THU HÒA); “Học Bác, sống để yêu thương con người!” (VĂN NHÂN); “TS Bùi Văn Định: Đam mê và cống hiến” (MINH THÀNH); “Học Bác làm điều thiết thực nhất” (HOÀNG NGỌC HÙNG); “Dâng trào cảm xúc khi hát về Bác” (VĂN HẠNH); “Nguồn sáng dẫn đường” (QUỲNH CHI); “Bộ sách ý nghĩa về Bác Hồ” (CHI PHONG)...

Từ kỷ niệm mà Bác dành cho gia đình mình, GS, TS Nguyễn Lân Dũng trong bài viết “Di chúc của Bác là lời non nước” chia sẻ, vợ chồng ông thường nhắc nhau phải sống xứng đáng với tình thương yêu của Bác. Ông cũng cho rằng, từng chi bộ, từng chi đoàn, từng đảng viên phải nghiêm túc đọc lại các bản Di chúc Bác viết và nghiêm túc ghi nhớ từng lời Bác căn dặn. Có như vậy, đất nước ta mới có thể phát triển bứt phá lên nhanh chóng như mong đợi của Bác trước lúc đi xa.

Báo QĐND Cuối tuần số đặc biệt gồm hai số 1233 và 1234 sẽ phát hành trên toàn quốc vào ngày 23-8-2019.  Giá: 15.000 đồng.

Bạn đọc cần đặt mua xin liên hệ: Phòng Phát hành-Truyền thông, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; điện thoại: (024) 37473757; 069554287.