QĐND - Về thăm quê, xuống xe tắc-xi, đứng trước cổng nhà, anh Thụy thấy cửa đóng then cài kín mít. Thay vì gọi người ra mở cổng, anh lấy tay đập mạnh vào cánh cổng gỗ. Nghe tiếng thùm thụp bên ngoài, bà Minh vội ra mở cổng. Vừa nhìn thấy mẹ, anh Thụy hỏi:   

- Mấy đứa cháu con thằng Năng đi đâu rồi mà để bà phải ra mở cổng thế này?

Bà Minh bảo:

- Các cháu nó đang bận học ở trong buồng. Mẹ ra mở có sao đâu. Con đi đường xa về chắc là mệt mỏi. Thôi, đưa va-li đây mẹ xách vào nhà cho. Con ra ngay ngoài giếng rửa mặt mũi cho tỉnh táo, sạch sẽ và vào nhà nghỉ ngơi đã.

Sau khi khệ nệ xách chiếc va-li to gần gấp đôi người vào nhà, bà Minh nhanh nhảu xuống bếp nhóm lửa đun nước uống. Rồi bà lại tất tưởi lên nhà trên mang bộ ấm chén ra ngoài giếng rửa. Nhìn mẹ tất bật, anh Thụy lên tiếng quát to:

- Thằng Tuân, cái Duyên dừng việc học đã. Chúng mày nỡ để cho bà già phải làm mãi những việc nấu nước, rửa ấm chén mà không thấy xấu hổ à?

Nghe tiếng chú Thụy từ ngoài vọng vào, cái Duyên vội chạy ra cửa khép nép chào chú và lễ phép:

- Dạ, cháu xin lỗi chú ạ. Không phải chúng cháu tị nạnh cho bà đâu. Sáng nay cháu phải dậy từ 4 giờ đi tát nước cùng mẹ cháu. Lúc về nhà ăn cơm xong, cháu mải việc ôn bài để chuẩn bị cho buổi chiều nay kiểm tra môn Vật lý nên quên không dọn dẹp nhà cửa.

Bà Minh đỡ lời:

- Đúng đấy con ạ, các cháu hôm nào cũng chăm chỉ vệ sinh ấm chén, nhà cửa sạch sẽ lắm.

Rút từ ví ra một tờ xanh mệnh giá 500.000 đồng, anh Thụy gọi Duyên lại gần:

- Đây, tiền mua thức ăn trưa nay, cháu cầm lấy ra chợ chuẩn bị mấy món tươi tươi vào. Nhớ mua cho chú mấy lon bia Hê-ni-ken lạnh nhé!

Duyên vâng lời rồi lên chiếc xe đạp phóng ngay ra chợ.

Bữa trưa, thức ăn chuẩn bị khá tươm tất. Nhưng thấy bên mâm có mấy lon bia Hà Nội, anh Thụy tỏ ra không hài lòng nên vặn hỏi Duyên:

- Thế chú dặn cháu là mua bia Hê-ni-ken cơ mà?

- Dạ, thưa chú, tất cả các quán, cửa hàng ở làng ta chỉ bán bia lon Hà Nội là “xịn” nhất thôi. Vì dân làng mình không ai có tiền để mua loại bia cao cấp ấy uống đâu ạ!

Sau câu nói thật thà, hồn nhiên của Duyên, anh Thụy vằn mắt lên:

- Mày nói thế có ý bóng gió gì với tao vậy?

Nghe chú nói vậy, cô bé 13 tuổi bỗng nhiên mặt xì ra, mắt buồn rười rượi. Vội vàng ăn một bát cơm chan nước canh xong, Duyên xin phép đứng dậy. Cả bữa cơm, bà Minh không nói câu gì.

Buổi chiều, khi còn lại hai mẹ con ở nhà, bà Minh gọi anh Thụy ra bàn uống nước. Bà rót cho con trai chén chè nóng, nhẹ nhàng bảo:

- Con về quê, không nhất thiết lúc nào cũng phải cho mẹ và các cháu tiền đâu. Người ta sống ở phố xá thế nào thì mẹ không biết. Nhưng dân làng mình từ xưa vẫn quý trọng nghĩa tình hơn tất cả mọi thứ. Các cụ dạy rồi, đất có lề, quê có thói...

- Nhưng con có làm gì sai đâu hả mẹ?-Anh Thụy cắt ngang lời mẹ.

- Con không làm gì sai-giọng bà Minh ân cần, nhưng tỏ ra nghiêm nghị-nhưng con thử nghĩ lại buổi sáng lúc vừa về nhà và bữa cơm trưa nay, con nói năng cư xử với các cháu như vậy liệu có nên không? Mẹ rất mong con biết giữ gìn nền nếp gia phong như lúc con còn ở nhà với mẹ.

Nghe những lời người mẹ ở tuổi thất thập, anh Thụy cảm thấy chột dạ và tỏ vẻ ăn năn: “Dạ, con xin lỗi mẹ! Từ nay về sau con xin rút kinh nghiệm ạ”! 

THU THẢO