Nhưng lần này còn một lý do khác: Khán giả đã phải chờ rất lâu để được thấy màn hợp tác giữa đạo diễn Anh Tú và nhà văn Chu Lai. Dù hoạt động ở hai lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, một – sân khấu, một – văn chương nhưng về “tạng chất” và cả cách làm nghề, cả hai khá tương đồng, nhất là ở sự chỉn chu và tinh tế, sự gai góc và táo bạo, sự đa cảm và lãng mạn. Họ đều là tác giả của không ít tác phẩm lớn với sức ám ảnh rất lâu và rất sâu, những tác phẩm kích thích người ta phải “trở lại” nhiều lần, để có thể hiểu hết các ý đồ, lớp nghĩa. Sự phối hợp giữa hai con người như vậy thật đáng để chờ đợi!

Kịch bản Biệt đội báo đen (nguyên tác Sắc đỏ chôm chôm) được nhà văn Chu Lai chuyển thể từ chính truyện ngắn cùng tên của ông, theo đặt hàng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trước khi “đến tay” đạo diễn Anh Tú, Sắc đỏ chôm chôm từng “bước lên” sân khấu kịch nói, cải lương, chèo và đặc biệt, thường được dựng lại nhân các dịp lễ lớn của đất nước. Dù không thiếu kịch bản cũ và mới về đề tài chiến tranh, cách mạng nhưng gần hai thập kỷ qua, Sắc đỏ chôm chôm vẫn giữ nguyên độ “nóng” và có một hấp lực khó cưỡng với nhiều thế hệ khán giả, những người làm sân khấu và các nhà quản lý văn hóa.

Cảnh trong vở Biệt đội Báo đen. Ảnh do Nhà hát kịch Việt Nam cung cấp. 

Vẫn biết, Chu Lai luôn viết về chiến tranh và hậu chiến ở những khía cạnh  không ai ngờ tới, nhưng đọc kịch bản Sắc đỏ chôm chôm (Biệt đội Báo đen), thêm một lần nể phục sức sáng tạo,  góc nhìn rộng và chiều sâu của ngòi bút Chu Lai. Viết về lính nhưng Chu Lai không chỉ kể chuyện lính, chuyện chiến đấu mà cả chuyện đời. Chỉ với 52 trang giấy A4 in thưa dòng, ông tái hiện phần ký ức không thể nào quên của những đội viên An ninh biệt động trên chiến trường miền Nam theo cách vừa toàn diện vừa chi tiết, vừa sống động, chân thực – như nó vốn thế!

Trong Biệt đội báo đen có cả hai sắc thái oai hùng và bi tráng, có chiến công và mất mát, có ngay thẳng và tư lợi, có những nhân vật rất thật và rất đời nhưng hiếm khi xuất hiện trong các kịch bản đề tài chiến tranh, cách mạng. Đó là Hai Lục Bình, người đội trưởng có phần “hữu dũng vô mưu” nhưng cương trực, dám làm dám chịu và trọng tình nghĩa. Đó là Sáu Thành, một anh hùng trận mạc mưu trí và dũng mãnh, chính trực và kiêu hãnh. Với anh, “Đảng ở trong tâm chứ không phải chỉ ở danh hiệu!”. Với một số người, anh là kẻ “gàn dở, ương ngạnh”, không ít lần trái lệnh cấp trên, tự ý tác chiến, không ngại “có ý kiến” nếu thấy phương án đánh trận còn kẽ hở, không ngại đối đầu để bảo vệ lẽ phải. Sáu Thành là cái gai trong mắt đội phó Bảy Tân, “một con sâu rừng” hèn nhát, cơ hội và lươn lẹo. Thông thường, kịch bản về đề tài kháng chiến, nhân vật phản diện hay được “cài” ở phe địch, nhưng trong Biệt đội báo đen, lại len lỏi ngay giữa quân ta với ý nghĩa cảnh báo: Những “con sâu” ẩn thân trong đội ngũ cũng độc hại, nguy hiểm không kém giặc ngoài nếu không sớm phát hiện và thanh trừng.

Hiếm thấy nhân vật phản diện nào được khắc họa đầy đặn như Bảy Tân với những đấu tranh, giằng xé giữa lý tưởng và dục vọng. Có lúc, hắn bị dục vọng lấn át và suýt gây tội ác với Hương, một đồng đội nữ. Hắn tìm cách bôi nhọ Sáu Thành, để yên tâm giữ vị trí đội trưởng. Hắn là nguyên cớ của hàng loạt nút thắt và cao trào, mà đỉnh điểm là cuộc hội ngộ với Sáu Thành hai mươi năm sau, khi chiến tranh đã khép lại. Hai con người vốn là đồng chí lại bước vào một cuộc chiến không thể khoan nhượng cho nhau giữa thời bình: Một bên muốn giữ lại lâm trường chiến binh, căn cứ địa năm xưa của biệt đội Báo đen, giờ là nơi cưu mang và tạo công ăn việc làm cho 100 gia đình cựu chiến binh, một bên muốn phá rừng trục lợi.

Trước giờ tổng duyệt, NSND Anh Tú chia sẻ với vẻ mãn nguyện: “Biệt đội báo đen được viết rất hay!”. Dễ thấy, kịch bản đậm chất Chu Lai này đã đem đến cho anh một bài toán thú vị. Nhưng thực ra, đây cũng là một bài toán khó. Một kịch bản với từng nhân vật, từng tình huống, nút thắt, nút mở, cao trào, lớp lang đều được xây dựng quá sáng rõ, chặt chẽ, thuyết phục luôn là ước mơ của mọi đạo diễn, nhưng chính sự hoàn hảo, kín kẽ ấy lại khiến đạo diễn khó sáng tạo và thể hiện cái “tôi”. Tuy thế, Anh Tú vẫn bộc lộ được chất riêng qua việc khéo léo pha trộn kịch nói và ngôn ngữ hình thể, qua những câu thoại được chuốt lại rất “đời”, những gam hài được nêm nếm vừa vặn, những tình huống được thêm vào rất “đắt” khiến người xem cảm nhận sâu sắc, mỗi một chiến công của người lính đều được đánh đổi bằng vô vàn hy sinh, không chỉ là hy sinh xương máu…

Anh Tú cũng rất liều lĩnh khi giao vai chính Sáu Thành cho “cây hài” Xuân Bắc. Về hình thức, Xuân Bắc khá phù hợp với khuôn mặt góc cạnh, đôi mắt sắc và ánh nhìn mãnh liệt như có “lửa”. Anh diễn tròn vai nhưng tiếc là chưa đạt đến độ xuất thần. Sáu Thành là một nhân vật có nội tâm vô cùng phức tạp. Trong con người kiêu hãnh và kiên trung đến từng giọt máu ấy không chỉ có lý tưởng cao vời vợi mà còn chất chứa nỗi đau khi chứng kiến đồng đội tha hóa cùng nỗi cô đơn sâu thẳm, nỗi cô đơn thường thấy ở những con người không phải tốt mà là quá tốt, không phải ngay thẳng mà là quá ngay thẳng đến mức khó hiểu và lập dị trong mắt không ít người. Nỗi đau, nỗi cô đơn ấy giá như khán giả có thể  “sờ” thấy và bị ám ảnh! 

Năm 2003, Sắc đỏ chôm chôm từng “bước lên” màn ảnh nhỏ và là một trong những phim truyền hình rất được yêu thích.

Tháng 4 năm 2015, đứa con tinh thần của Chu Lai một lần nữa “tỏa sáng” trên sân khấu Nhà hát Chèo Quân đội dưới sự dàn dựng của đạo diễn NSND Lê Hùng.

Cũng trong tháng 4 lịch sử, Sắc đỏ chôm chôm được soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể thành kịch bản cải lương “Chiến binh”. Vở cải lương “Chiến binh” được NSND Trần Ngọc Giàu dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Tác phẩm do UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miềm Nan, thống nhất đất nước.

 

HƯƠNG LAN