Điều quan trọng hiện nay là ứng xử thế nào để nghệ nhân hồ hởi, nhiệt huyết tham gia thực hành và truyền dạy vốn quý di sản của cha ông”.
Cần ứng xử đúng mức với nghệ nhân dân gian
PGS Đặng Hoành Loan có một quan niệm khác về danh xưng nghệ nhân. Ông cho hay, nghệ nhân là để nói về những người thợ làng nghề, họ đúc, đẽo, chế tác nên những hiện vật, còn nghệ sĩ dân gian là thăng hoa, là tâm hồn, nắm giữ những sáng tạo nghệ thuật trình diễn. Vì thế, ông thường gọi họ là nghệ sĩ dân gian. Còn nói nghệ nhân đúng nghĩa theo UNESCO đưa vào trong công ước “Báu vật nhân văn sống”, thì ở Việt Nam hiện nay không còn nữa. Có ai còn sáng tạo, hát được tất cả thể cách ca trù như bà Quách Thị Hồ, hay bà Hà Thị Cầu hát xẩm… Nghệ nhân ngày nay, họ là những thế hệ học trò được các bậc tiền nhân truyền dạy. Đã nói đến nghệ sĩ trình diễn, thì vui họ sẽ diễn, khách đến làng tôi, tôi diễn múa, hát cho nghe… Họ chơi nghệ thuật truyền thống của cộng đồng mình vì họ tự ý thức trách nhiệm có năng khiếu hơn người trong làng, và đang nắm giữ di sản nên họ rủ nhau gìn giữ, tiếp tục truyền dạy cho các lớp kế cận. Khi chẳng có chế độ đãi ngộ gì thì những nghệ sĩ dân gian này vẫn luôn có ý thức bảo vệ di sản của cha ông, bởi họ có nghề hết rồi, người làm nông, người buôn bán, có người làm công chức Nhà nước… Vì thế, nếu có đãi ngộ cấp cho loại hình nghệ thuật này khi được vinh danh 100 triệu đồng, 50 triệu đồng… thì họ vẫn cứ kêu. Vậy họ chờ đợi cái gì?
 |
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế biểu diễn nhã nhạc phục vụ khách du lịch trong Duyệt Thị đường. |
Vẫn là câu chuyện của PGS Đặng Hoành Loan, năm 2018, ông được mời làm giám khảo Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính diễn ra ở Hà Giang. Các nghệ sĩ dân gian hồ hởi lắm vì cứ hai năm một lần liên hoan được tổ chức để họ có sân chơi khoe tài, trình diễn. Gặp các nghệ sĩ đến từ Đắc Lắc ra tận Hà Giang để trình diễn, phấn khởi, vui tươi đấy, nhưng các nghệ sĩ trẻ tâm sự, cũng là giải liên hoan Nhà nước tổ chức mà sao không có huy chương vàng, bạc, thay vào đó họ được trao giấy chứng nhận bằng hai bàn tay và giá trị giải thưởng chỉ... 200.000 đồng; chưa kể trong đoàn có nghệ nhân gần 80 tuổi bao năm gìn giữ, sáng tạo, truyền dạy, lặn lội đường sá xa xôi, vậy mà cũng chỉ được trao giấy chứng nhận cấp cục ký chứ không phải là cấp bộ ký…
“Lớp nghệ nhân mà chúng ta đang quen gọi hiện nay không như ngày xưa, tư tưởng giờ khác, lối sinh hoạt khác, lối trình diễn chắc chắn cũng khác để phù hợp với đời sống cộng đồng. Vì vậy, để khích lệ người ta, không phải hứa hẹn hằng năm, hằng tháng cấp chế độ đãi ngộ bao nhiêu. Nhưng nếu tỉnh đó, thành phố đó tổ chức mỗi năm 1-2 cuộc thi, liên hoan, giải thưởng trao 15 triệu hay 20 triệu, hay trao cho họ cái huy chương vàng, huy chương bạc, sẽ khác hẳn. Như thế có nghĩa “một gánh giữa đàng bằng một sàng xó bếp”, ứng xử như thế sẽ có hàng loạt CLB ca trù, lớp truyền dạy cung văn… Hãy xây dựng họ thành những hạt nhân, động viên họ mở lớp truyền dạy, mỗi buổi dạy trả trực tiếp cho họ bao nhiêu tiền. Đó mới là cách thiết thực để động viên, khuyến khích nghệ nhân bảo tồn và phát huy di sản, lớp trẻ kế tục nghệ thuật của ông cha”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nêu giải pháp.
Đừng để “vàng” rơi
Là loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại phong kiến trong xã hội Việt Nam nhiều thế kỷ, nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình, như: Tế giao, tế miếu, lễ đại triều, thượng triều... Đó là minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam, được cô đọng lại dưới triều Nguyễn (1802-1945). Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế: Dù nhã nhạc được thế giới vinh danh, song để “cứu” di sản nhã nhạc, ngoài sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương và bạn bè quốc tế còn phải kể đến sự nỗ lực không mệt mỏi từ phía các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên trong việc sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi nhã nhạc; tổ chức các lớp truyền dạy nhạc công, diễn viên ca múa cung đình; lưu diễn và giới thiệu nhã nhạc tại nhiều quốc gia trên thế giới…Điển hình như chương trình sân khấu hóa “Văn hiến kinh kỳ” lần đầu tiên ra mắt công chúng và du khách tại Festival Huế 2018 đem lại sự mới mẻ, hấp dẫn, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử Cố đô Huế. Thế nhưng, cũng đáng buồn là có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên, dù nỗ lực cống hiến hết mình nhưng chưa được các cấp công nhận, tôn vinh xứng đáng. Ví như trong Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, những nghệ sĩ Phan Thị Thu Thủy, Phan Thị Bạch Hoa, Nguyễn Đình Việt, Văn Mười, Kim Tuyến… đều có thời gian dài gắn bó với nhà hát từ thời sơ khai, nhiều nghệ sĩ đoạt huy chương vàng, bạc ở khu vực và toàn quốc, có nghệ sĩ cống hiến trọn đời cho nhã nhạc cung đình Huế sắp nghỉ hưu, nhưng đến nay chưa được công nhận bất cứ danh hiệu nào.
Ông Phạm Cao Quý, cán bộ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, với các nghệ nhân dân gian, câu chuyện không phải là trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hằng tháng mà quan trọng là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao? Chính sách của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa những năm qua thực tế chưa tác động nhiều đến các nghệ nhân, những người nắm giữ tinh thần cho di sản. Để làm được việc này, cơ quan các cấp từ Trung ương đến địa phương cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, duy trì sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe để họ có thể cống hiến tốt hơn cho cộng đồng. Cùng với đó là chính sách giúp họ sử dụng, phát huy các tri thức mình đang nắm giữ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung.
Cách đây một năm, phát biểu kết luận tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia”.
Theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (hiệu lực từ ngày 1-1-2016), thì ngoài tiền thưởng, các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc diện này tùy theo mức độ sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, khi qua đời sẽ được hỗ trợ mai táng phí. |
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ