Đây là một tác phẩm Điện ảnh do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình thực hiện bộ phim này.
Phóng viên (PV): Xin anh cho biết bộ phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp một huyền thoại” được bắt đầu triển khai thực hiện từ khi nào?
NSƯT Trịnh Quang Tùng: Bộ phim bắt đầu tiến hành từ tháng 4-2021, nhưng trước đó tôi đã phải tìm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, gặp nhiều nhân vật liên quan, đặc biệt là kho tư liệu bằng phim nhựa của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương để chuẩn bị viết kịch bản.
Trong nhiều tháng, tôi đã tìm lại gần 50 cuộn phim và hàng chục băng tư liệu về Đại tướng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Để thực hiện một tác phẩm về vị tướng huyền thoại thì khâu chuẩn bị kịch bản, tư liệu rất quan trọng. Vì thế, dẫu biết rằng, làm bộ phim này sẽ mất nhiều thời gian, công sức nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Chúng tôi muốn tác phẩm điện ảnh này sẽ là một món quà để tri ân một vị tướng huyền thoại đã đi vào lòng nhân dân.
    |
 |
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim. |
PV: Đã có nhiều tác phẩm điện ảnh khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh làm thế nào để bộ phim có sự khác biệt với những phim đã từng công chiếu?
NSƯT Trịnh Quang Tùng: Đây là thách thức với bất kỳ nhà làm phim nào, vì trước đó có quá nhiều bộ phim hay, xúc động về Đại tướng. Với bộ phim này, tôi muốn khán giả tiếp cận một cách trọn vẹn về cuộc đời của một vị tướng theo tiến trình diễn biến của lịch sử, mạch lạc nhưng vẫn tạo được cảm xúc cho người xem.
Để tạo sức hút cho tác phẩm điện ảnh tài liệu, ê kíp làm phim phải chủ động tạo điểm nhấn của bộ phim. Trong tác phẩm này, điểm nhấn chính là tư tưởng quân sự, tính nhân văn, trượng nghĩa, bao dung, hết lòng vì dân vì nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
    |
 |
Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng (thứ hai từ phải sang) và ê kíp làm phim tại Điện Biên. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) |
PV: Anh có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện bộ phim này?
NSƯT Trịnh Quang Tùng: Khi chúng tôi thực hiện bộ phim này thì cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nên việc đi lại, tiếp xúc nhân vật cũng bị hạn chế, bên cạnh còn là nguồn tư liệu mới cũng hiếm, nhân vật cùng thời hoạt động với Đại tướng thì không còn nhiều, phần lớn đã mất hoặc già yếu, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình làm phim.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng gặp nhiều may mắn, khi thực hiện đến đâu đều được giúp đỡ nhiệt tình đến đó nên cũng thuận lợi trong quá trình quay.
Chẳng hạn như khi tôi đến gia đình đặt vấn đề và xin thắp hương tại tư gia của Đại tướng trước khi quay, gia đình rất nhiệt tình và tạo điều kiện để tôi khai thác một số hình ảnh tư liệu và quay những địa điểm liên quan đến Đại tướng như ngôi nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội); nhà lưu niệm ở Lệ Thủy (Quảng Bình); khu mộ của Đại tướng… Còn về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thì tạo điều kiện thuận lợi để đoàn hoạt động tại địa phương… rồi đến các tỉnh thành khác, như: Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng… đã rất nhiệt tình chỉ dẫn và tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã phỏng vấn nhiều nhân vật là người thân cận với Đại tướng như: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4); Đại tá Nguyễn Bội Giong, thư ký của Đại tướng; Đại úy Phạm Đức Cư (Tiểu đoàn Pháo cao xạ, trận Điện Biên Phủ 1954)… Ngoài ra, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để đi tìm đến người em kết nghĩa của Đại tướng tại Cao Bằng là bà Bàn Thị Chủ. Người phụ nữ này từng là liên lạc và che giấu cho Đại tướng khi hoạt động trên Cao Bằng. Bà là người dân tộc Tày, năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đôi mắt bà lại sáng lên, ký ức năm xưa lại trở về với người phụ nữ này. Bà kể rất rõ ràng từng câu chuyện, những hình ảnh năm xưa đã từng hoạt động cách mạng với Đại tướng lại hiện về trong tâm trí người phụ nữ này.
    |
 |
Cảnh quay tại Điện Biên Phủ. |
    |
 |
Thực hiện cảnh quay tại quê nhà Đại tướng. |
PV: Phim được công chiếu rộng rãi, sự lan tỏa của tác phẩm điện ảnh này sẽ rất lớn, anh nghĩ sao khi những tác phẩm như thế này sẽ là tư liệu quý giá để giáo dục thế hệ trẻ?
NSƯT Trịnh Quang Tùng: Phim tài liệu ngoài yếu tố nghệ thuật, tính chân thực, tính chính luận thì còn là tư liệu quý, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Đặc biệt là những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được hiện hữu theo dòng chảy của lịch sử, qua bộ phim chúng ta ít nhiều sẽ thấy tình yêu quê hương đất nước, khát vọng hòa bình của toàn dân tộc Việt Nam trong đó có Đại tướng kính yêu.
Tôi luôn tin rằng ở đâu và bất kỳ thời khắc nào thì mọi thế hệ người Việt Nam đều giữ trong tim hình ảnh đẹp nhất về vị tướng huyền thoại. Đây là tư liệu lịch sử vô giá của dân tộc. Như vậy việc học tập và rút ra cho mỗi người bài học phải sống như thế nào cho xứng đáng với các thế hệ tiền bối đã cống hiến, hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển như ngày hôm nay là điều có sẵn trong tim mỗi người Việt Nam.
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)