Nói đến đây, Đại tá Vũ Đình Quý, nguyên giảng viên Học viện Quốc phòng giọng như nghẹn lại khi nhớ về người bạn học, bạn chiến đấu-Đại tướng Phùng Quang Thanh.         

Một buổi sáng đầu Thu, Hà Nội trời trở gió, mưa to thành tiếng ràn rạt trước hiên nhà, Đại tá Vũ Đình Quý hay tin Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần. Dù đã biết rõ tình hình sức khỏe của bạn, nhưng khi nghe tin dữ vẫn khiến ông hụt hẫng, đau buồn.

Đồng chí Phùng Quang Thanh và đồng chí Vũ Đình Quý cùng nhập ngũ năm 1967, cả hai đều được tăng cường cho Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, rồi tham gia chiến đấu Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Mặc dù cùng trung đoàn và nghe tiếng về đồng chí Phùng Quang Thanh đã lâu, nhưng mãi đến năm 1972, Vũ Đình Quý mới trực tiếp gặp mặt tại lớp đào tạo cán bộ tiểu đoàn, Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Lần đầu gặp, Vũ Đình Quý đã ấn tượng về người bạn dáng vóc cao to nhưng lại hiền từ, phúc hậu, lúc nào cũng giữ nét mặt bình tĩnh, ôn hòa. Đặc biệt, nghe đồng chí Phùng Quang Thanh kể chuyện chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào ai cũng khâm phục.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Đại tá Vũ Đình Quý tại nhà riêng. (Ảnh chụp năm 2019).  

Sau này, hai người lại hội ngộ khi cùng học tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Đại tá Vũ Đình Quý tâm sự: "Khi là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dù công việc bận rộn, nhưng có thời gian anh Thanh lại gọi điện thăm hỏi bạn bè, đồng đội. Anh chuyện trò với anh em gần gũi, quan tâm như thuở hàn vi, khiến mọi người càng thêm trân quý".

Năm 2019, chuẩn bị cho kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống lực lượng quân tăng cường Thủ đô Hà Nội (1967-2019), chúng tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về sự kiện. Hôm đó, vừa tác nghiệp xong ở nhà một cán bộ quân đội thì Đại tá Vũ Đình Quý gọi điện xin ý kiến Đại tướng Phùng Quang Thanh ghi hình phỏng vấn. Lúc đó dù sức khỏe không được tốt, nhưng đồng chí vẫn đồng ý và đề nghị đoàn đến sớm. Chúng tôi có mặt tại nhà riêng trên con phố Nguyễn Tri Phương, Hà Nội đúng lúc đồng chí đang được bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Trước khi ghi hình, phỏng vấn, Đại tướng Phùng Quang Thanh hỏi thăm bắt tay từng phóng viên, rồi hóm hỉnh: “Dạo này mình điều trị thuốc nên lên cân, các phóng viên làm sao ghi hình đẹp lên nhé”. Suốt cả buổi phỏng vấn, chúng tôi cảm nhận được tình cảm đồng chí dành cho lực lượng quân tăng cường; bày tỏ vinh dự được trực tiếp tiếp nhận và chiến đấu cùng các chiến sĩ quân tăng cường trên chiến trường. Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, quân tăng cường là những đồng chí dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt trong chiến đấu và hòa đồng rất nhanh. Nhưng đoạn nhắc đến sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ quân tăng cường thì đồng chí nghẹn lại, nói không nên lời...

Từ khi biết Đại tá Vũ Đình Quý nằm trong Ban liên lạc Hội Cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội, lần nào gặp, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng hỏi thăm hoàn cảnh của từng thương binh, bệnh binh, thân nhân và âm thầm tìm cách giúp đỡ.

Cuối năm 2020, Hội Cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội được sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức tọa đàm giới thiệu bộ sách “Ký ức chiến tranh”. Lúc bấy giờ sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh đã suy giảm rất nhiều. Tuy vậy, vừa sau đợt điều trị dài ngày, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nhắn Đại tá Vũ Đình Quý mang toàn bộ 5 tập sách “Ký ức chiến tranh” lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để ông đọc và nghiên cứu. Theo dự kiến ngày 19-12-2020 sẽ diễn ra buổi tọa đàm. Hội Cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội ai cũng mong mỏi đồng chí Phùng Quang Thanh sẽ có mặt nhưng rồi sức khỏe không cho phép. Tuy vậy, với tình cảm và nghĩa cử cao cả, đồng chí đã gửi một bức thư tới buổi tọa đàm. Đó là những lời chia sẻ, tấm lòng của ông đối với cán bộ, chiến sĩ quân tăng cường mà đọc xong ai cũng bùi ngùi xúc động.

Bức thư có đoạn: “Bản thân tôi xuất phát từ người lính, nhập ngũ cùng thời với quân tăng cường Thủ đô và tham gia chiến đấu từ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nên họ là những người bạn chiến đấu thân thiết với tôi... Cuộc sống sau hòa bình còn khó khăn nhưng vì các anh đã có nhau trong gian khổ ác liệt, nay lại có nhau trong thời bình, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng nhắc nhở nhau giữ gìn phẩm chất người lính Cụ Hồ. Tôi thật sự cảm phục và quý trọng...!”.

Bức thư ấy giờ đây đã trở thành kỷ vật quý báu của Hội Cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội. Cuộc sống sinh lão bệnh tử, quy luật muôn đời khó tránh khỏi, nhưng ân nghĩa và tấm lòng của Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ còn lưu mãi trong lòng đồng đội.

Bài, ảnh: PHẠM KIÊN