Đồng chí Nguyễn Chí Phi quê ở xã Vĩnh Liêm (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Tháng 3-1963, anh xung phong nhập ngũ sau đó được biên chế vào đơn vị Đặc công K10 (nay là Tiểu đoàn 10 Đặc công), tỉnh Quảng Trị. Cặp mắc võng là sáng kiến của đồng chí Nguyễn Chí Phi được làm bằng chất liệu sừng trâu, có hình số 8 được mài nhẵn, đầu trên có một lỗ tròn để lồng dây buộc vào thân cây, đầu dưới lỗ hở hình chữ U buộc vào cọc phụ đóng xuống đất, kích thước cái mắc võng là 4,3cm x 2,8cm. Trước kia, mỗi khi mưa, nước mưa sẽ chảy vào đọng lại trong võng; nhờ đôi mắc võng này, nước mưa chảy theo cọc phụ xuống đất nên dù mưa to đến đâu, võng vẫn khô ráo, bộ đội nằm ngủ ngon giấc, bảo đảm sức khỏe...

Các kỷ vật của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Chí Phi. 

Chiếc bao đựng bi đông làm bằng chất liệu ni lông tổng hợp, màu cỏ úa, cổ máy viền khuy bấm, túi nhỏ, có nắp, một bên thân túi máy 4 đường chỉ theo chiều dọc, chiều cao của hiện vật 18cm. Đây là chiến lợi phẩm trong trận đánh tiêu diệt địch ở căn cứ Dốc Miếu vào đêm 19-5-1966. Cuốn sổ nhật ký có bìa bằng giấy cứng màu xanh, hoa hình da rắn, trong dán giấy màu hồng, góc phía trên hình chiếc cúp, chữ "Giải phóng quân Nhật ký"; giấy là loại kẻ ca rô, chữ viết tay mực xanh, tím, kích thước nhỏ gọn 12cm x 8cm. Cuốn sổ lưu giữ biết bao kỷ niệm êm đềm về người vợ hiền hậu, thủy chung, về những người bạn cùng vào sinh ra tử, về những tình cảm nồng ấm mà bạn bè quốc tế dành tặng đất nước và nhân dân Việt Nam.

Những kỷ vật này luôn được đồng chí Nguyễn Chí Phi mang bên mình trong nhiều trận chiến. Trong những năm chiến đấu tại quê hương Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Chí Phi đã cùng đơn vị diệt nhiều tên giặc, phá hủy nhiều xe quân sự của địch. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 20-12-1969, đồng chí Nguyễn Chí Phi vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: VIỆT THÙY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.