Thăm hỏi tận nhà, trao quà tận tay
Từ giữa tháng 7-2021 đến nay, nắm bắt được nhu cầu tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm của đối tượng người lao động, người hoàn cảnh khó khăn, Ban CHQS quận 7 phối hợp Liên đoàn Lao động quận triển khai hiệu quả mô hình “Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà”. Bất kể trời nắng hay mưa, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang quận cùng cán bộ, đoàn viên công đoàn đến từng con hẻm nhỏ nằm sâu bên trong khu dân cư để trao tận tay những phần lương thực, thực phẩm như: Gạo, rau củ, đường, sữa, dầu ăn... cho người lao động.
 |
Các thành viên “Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà” của quận 7 chuẩn bị đưa lương thực, nhu yếu phẩm đến người lao động. |
Trung tá Huỳnh Văn Hừng, Chính trị viên phó Ban CHQS quận 7 cho biết: “Đối tượng được chăm lo của mô hình là người lao động nghèo, thất nghiệp, người gặp khó khăn trong di chuyển, các gia đình không có điều kiện tiếp cận nguồn lương thực, thực phẩm… Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn của địa phương để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “Đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà” để không để người lao động bị thiếu đói trong những ngày giãn cách xã hội”.
Trao đổi thêm về mô hình này, theo ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 7, những phần lương thực, thực phẩm là được các tình nguyện viên phân chia theo từng khu vực và vận chuyển bằng xe của Ban CHQS quận. Sau đó, lần lượt được đưa đến từng khu nhà trọ có đông người lao động để hỗ trợ kịp thời. Là những người triển khai mô hình này, dù công việc dù vất vả, có nguy cơ về lây nhiễm nhưng cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS quận cũng như tổ chức công đoàn rất trách nhiệm trong thực hiện để chia sẻ khó khăn với người lao động.
Còn tại quận Bình Thạnh, là địa bàn xuất hiện nhiều ca bệnh thời gian gần đây, Liên đoàn Lao động quận đã chủ động, tích cực triển khai đưa kịp thời hơn 5.000 phần nhu yếu phẩm trao tận tay người lao động hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người lao động ở trong các khu nhà trọ, khu cách ly, khu phong tỏa. Theo ông Cao Hồng Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh, bên cạnh hoạt động hỗ trợ kịp thời này, trong đợt dịch lần thứ 4, Liên đoàn Lao động quận đã phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện các chương trình thiết thực khác như: Siêu thị mini 0 đồng, tiếp tế thực phẩm cho người lao động tại khu cách ly, phong tỏa, hỗ trợ các trường hợp F0, F1… Qua đó, đã có hơn 12.000 người lao động trên địa bàn được chăm lo với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.
 |
Trao quà hỗ trợ cho người lao động ở trong khu cách ly. |
Từ đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, các cấp công đoàn tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kịp thời các hoạt động chăm lo cho người lao động tại các khu nhà trọ, tạm ngừng việc và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Nhiều hoạt động đã mang đến hiệu quả cao như: Chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, “Siêu thị 0 đồng”, “Bếp ăn yêu thương”, đi chợ cho người lao động, “Thăm hỏi gia đình có người lao động bị F0”, “Quà đến tận nhà”, “Công đoàn đồng hành cùng người lao động, hộ dân”…
Mới đây, từ ngày 27-8, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe người lao động”. Hoạt động trọng tâm của chương trình gồm: Xét nghiệm Covid-19 định kỳ và tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động, huấn luyện đội ngũ y tế tại doanh nghiệp về nghiệp vụ test Covid-19 và quy trình xử lý khi có trường hợp nhiễm bệnh… Bên cạnh tổng đài 1900 633 336 hỗ trợ doanh nghiệp và tư vấn sức khỏe cho người lao động, chương trình cũng sẽ tặng 10.000 túi thuốc phòng, trị Covid-19 cho người lao động trong trường là F0, F1.
 |
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội hỗ trợ tổ chức Công đoàn đưa các phần quà đến người lao động hoàn cảnh khó khăn. |
Huy động nguồn lực, hỗ trợ kip thời
Hiện nay, chương trình 150.000 phần nhu yếu phẩm với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng đang được các cấp công đoàn tại TP Hồ Chí Minh chuyển đến công nhân, người lao động khó khăn trong những ngày siết chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Đội ngũ cán bộ chuyên trách của công đoàn các địa phương đã cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất, ngắn nhất có thể để kịp thời trợ giúp người lao động. Nhận phần quà từ chương trình, ông Trần Văn Năm (quận Bình Thạnh) xúc động chia sẻ: “Tôi ở tỉnh Thanh Hóa, vào TP Hồ Chí Minh làm bảo vệ cho một cửa hàng ăn uống. Dịch Covid-19 bùng phát, cửa hàng đóng cửa nên tôi mất việc, đời sống rất khó khăn. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ kịp thời của Liên đoàn Lao động quận”.
Để nâng cao hiệu quả chăm lo người lao động, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh còn tập trung huy động mọi nguồn lực để có thể giúp người lao động vượt qua khó khăn do đại dịch. Tùy từng địa bàn, đối tượng người lao động cụ thể, các cấp công đoàn đã có sự vận động chăm lo phù hợp. Trong đó, nổi bật là mô hình “Nhà trọ 0 đồng”, hay miễn, giảm chi phí thuê trọ cho công nhân, lao động. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có hơn 1.050 chủ nhà trọ miễn giảm hơn 7 tỷ đồng tiền thuê phòng cho 44.400 người lao động ở trọ.
 |
Người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 được hỗ trợ, chăm lo từ những phần quà thiết thực của tổ chức Công đoàn. |
Bà Nguyễn Hoàng Oanh, chủ nhà trọ Ánh Sáng tại phường 16, quận 8 chia sẻ: “Từ khi dịch bùng phát mạnh, đối với người lao động còn được đi làm việc, tôi giảm 50% tiền thuê phòng, còn với người lao động bị mất việc thì tôi tạm thời miễn tiền thuê phòng đến khi hết giãn cách xã hội để giúp người lao động an tâm phòng, chống dịch. Ngoài ra, khu nhà trọ của tôi cũng vận động hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người lao động”. Còn với bà Phạm Thị Thủy Tiên, chủ một khu nhà trọ tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức đã cho người lao động ở trọ miễn phí trong giai đoạn hiện nay để giúp người lao động giảm bớt khó khăn. Trước đó, vào thời điểm nhà trọ bị phong tỏa vì có ca nhiễm, người lao động không thể ra ngoài mua thực phẩm, bà Tiên quyết định hỗ trợ kinh phí 1,5 triệu đồng/phòng trọ và cùng với ban điều hành khu phố khảo sát nhu cầu về thực phẩm, nhu yếu phẩm của từng gia đình để hỗ trợ kịp thời.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, các chương trình, hoạt động hỗ trợ kịp thời từ tổ chức công đoàn đã thắp lên ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương con người, giúp tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho người lao động hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh. Tính đến ngày 26-8, các cấp công đoàn đã chăm lo cho hơn 816.000 người với kinh phí hơn 119 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HỒNG GIANG