Hành động kịp thời, không quản ngày đêm
UBND tỉnh Hậu Giang triển khai cuộc họp khẩn lúc 22 giờ ngày 9-7, ngay khi trên địa bàn phát hiện ca mắc Covid-19. Nhận định tình hình dịch đang hết sức phức tạp, các địa phương xuất hiện dịch đã thần tốc truy vết, nhanh chóng khoanh vùng, cách ly và thiết lập vùng cách ly y tế. Tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, dù mới xuất hiện một trường hợp nghi dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng chưa xác định được nguồn lây, địa phương vẫn xử lý giống như ca bệnh đã khẳng định. Các trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà. Bà Lê Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thạnh Xuân cho biết: “Quyết tâm truy vết nhanh nhất và không bỏ sót người tiếp xúc với ca nghi nhiễm. Xã thiết lập vùng cách ly y tế từ ngày 10-7 và đang triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Xã đã lên phương án xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho những người dân trong vùng cách ly y tế".
Tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, với phương châm “khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, dập dịch triệt để”, ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, ngay sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên ở thị trấn Long Bình, huyện mở rộng khu vực truy vết để bảo đảm không sót, lọt các trường hợp liên quan. Với sự hỗ trợ tích cực của ngành y tế, quân đội, công an, biên phòng... huyện đã phát huy tổng lực truy vết thần tốc, khoanh vùng, phong tỏa, xét nghiệm các trường hợp liên quan.
Đến nay, tất cả các trường hợp mắc mới đều được cách ly tập trung trước đó, cho thấy việc truy vết, phong tỏa đúng hướng. “Huyện An Phú quyết định kết thúc giãn cách ở 10 xã, thị trấn, chỉ tập trung ở một số địa bàn trọng điểm để dập dịch triệt để. Dù vậy, địa phương cũng sẽ tăng cường kiểm tra việc cách ly tại nhà và giám sát thường xuyên người được cách ly, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch”, ông Hợp thông tin.
 |
Hành khách ra vào TP Cần Thơ phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. |
Nâng cấp độ ứng phó
Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan và diễn biến khó lường, nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL triển khai các biện pháp mạnh hơn, trong đó có việc kiểm soát người về từ vùng có dịch; không chỉ giám sát chặt chẽ người cách ly tập trung mà còn tăng cường kiểm soát việc cách ly tại nhà và giám sát thường xuyên... không để dịch bệnh lây lan. Tại tỉnh Tiền Giang, theo thống kê đến ngày 16-7, Tiền Giang ghi nhận 739 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 8 trường hợp tử vong.
Dự báo số ca mắc Covid-19 sẽ còn tăng lên trong những ngày tới, để siết chặt và tận dụng thời gian vàng dập dịch, tỉnh thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 12-7 trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Tân Phú Đông tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15).Bác sĩ CKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chia sẻ, lực lượng y tế đang tập trung hết sức để thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2, đồng thời xét nghiệm mẫu gộp ở tổ dân phố, có thể mở rộng ra ấp, khu phố, toàn đơn vị, doanh nghiệp... tùy theo yếu tố dịch tễ tại các ổ dịch mới phát hiện.
“Sở y tế chủ trì, phối hợp tốt với Bệnh viện Quân y 120 và Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6 của Quân khu 9 để thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án, kế hoạch điều trị khi tỉnh có 2.000 ca mắc Covid-19; khẩn trương mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế, hóa chất, sinh phẩm và các điều kiện cần thiết khác, không để thiếu trang thiết bị y tế trong công tác cấp cứu, điều trị người bệnh; tham mưu điều chỉnh hệ thống các cơ sở điều trị phù hợp với tình hình mới”, ông Thảo thông tin.
Để chủ động phòng dịch và bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân, tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu tất cả người đi cùng phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với kết quả âm tính (trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả). Các doanh nghiệp định kỳ, thường xuyên vận chuyển ra, vào tỉnh Cà Mau và có điểm lên, xuống hàng hóa cố định, khuyến khích tạo lập khu cách ly tập trung riêng cho lái xe, phụ xe và người đi cùng phương tiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Ngoài các giải pháp trên, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL cũng triển khai nhiều giải pháp, như: Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16; tăng cường chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ; quy định người ra vào địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính; thiết lập các cơ sở cách ly tập trung...
Với những giải pháp được các địa phương triển khai thực hiện, dẫu nhiều bất tiện trong sinh hoạt, xáo trộn trong đời sống và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ngay trong thời điểm này, áp dụng các biện pháp quyết liệt là cấp thiết nhằm chặn đứng chuỗi lây nhiễm và hạn chế số ca mắc mới đang gia tăng. Đặc biệt, trong công cuộc phòng, chống dịch, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, điều quan trọng là mỗi người dân phải hợp tác trong khai báo y tế, thực hiện nghiêm thông điệp "5K+vaccine" và giải pháp công nghệ.
Bài và ảnh: THÚY AN