QĐND - Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 (BVDCTN số 1) của Bộ Quốc phòng (BQP) đã góp phần tích cực hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh dập dịch Covid-19 thành công. Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 354 thuộc Tổng cục Hậu cần, Giám đốc BVDCTN số 1-BQP, về một số kinh nghiệm triển khai, vận hành BVDCTN.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết một số nét chính về BVDCTN số 1-BQP?

Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh: BVDCTN số 1-BQP được thành lập trong thời gian “thần tốc”; từ khi nhận lệnh, chúng tôi chỉ có hai giờ chuẩn bị là lên đường. Sau hơn một ngày kể từ khi nhận mặt bằng, bệnh viện đã chính thức hoạt động với 300 giường bệnh (sẵn sàng nâng lên 500 giường khi cần thiết). BVDCTN số 1-BQP do BVQY 354 chủ trì, với sự tham gia về lực lượng, trang thiết bị của một số BVQY, có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa. Theo quyết định, bệnh viện được biên chế 119 đồng chí, song thực tế đi vào hoạt động là 166 cán bộ, nhân viên. Tổ chức của bệnh viện gồm: Ban giám đốc; Ban Kế hoạch-Điều dưỡng, Ban Chính trị, Ban Hậu cần-Hành chính và 9 khoa, 1 tổ. Trong đó, có khoa điều trị bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng riêng; Khoa Chống nhiễm khuẩn; tổ hồi sức cấp cứu... Đáng chú ý, khu theo dõi bệnh nhân chờ ra viện ban đầu không có trong biên chế, sau đó được điều chỉnh, bổ sung theo lượng bệnh nhân; có hai đơn nguyên riêng gồm các bệnh nhân có xét nghiệm âm tính và bệnh nhân tái dương tính.

leftcenterrightdel
Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh.  

PV: BVDCTN số 1-BQP đã triển khai thực hiện nhiệm vụ như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh: Hằng ngày, bệnh viện tiếp nhận khám, chỉ định xét nghiệm, phân loại bệnh nhân vào khoa điều trị theo mức độ bệnh và khử khuẩn phương tiện theo quy định. Hai khoa điều trị bệnh nhân nhẹ và nặng trực 24/24 giờ, phân chia theo kíp (1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, quay vòng luân phiên 6-8 kíp/ngày) để khám bệnh, theo dõi bệnh nhân, kê đơn, ra y lệnh điều trị. Khu bệnh nhân chờ ra viện theo dõi, làm xét nghiệm PCR và bổ sung điều trị đến khi bệnh nhân đủ điều kiện ra viện. Khoa Dược-Trang bị có nhiệm vụ bảo đảm thuốc, trang bị, vật tư y tế, trang phục phòng hộ cá nhân cho các khoa, ban theo đợt và bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất; quản lý, tổng hợp, đối chiếu, quyết toán số lượng đã sử dụng theo quy định, thực hiện chức năng dược lâm sàng trong điều trị Covid-19 và bệnh kết hợp. Tổ hồi sức cấp cứu biên chế 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, được trang bị vali cấp cứu đầy đủ cơ số thuốc và dụng cụ.

BVDCTN thực hiện “Bệnh án sạch” bằng cách sử dụng điện thoại thông minh có kết nối 4G để tiến hành làm bệnh án, kê đơn, hội chẩn, truyền đạt thông tin, huấn luyện... Các bệnh nhân được xét nghiệm máu cơ bản khi nhập viện và khi có diễn biến bất thường; bệnh nhân có tổn thương phổi trên X-quang được chụp kiểm tra lại hằng ngày, theo dõi độ bão hòa oxy mao mạch-SpO2 ít nhất hai lần/ngày, đánh giá tình trạng suy hô hấp; sau khi điều trị ít nhất 14 ngày, qua hai lần xét nghiệm PCR gần nhau nhất cách 2-3 ngày âm tính thì bệnh nhân được ra viện, bàn giao cho địa phương tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe.

leftcenterrightdel
Bác sĩ Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1-Bộ Quốc phòng tại Bắc Ninh chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Ảnh: VĂN GIÁP 

PV: Đồng chí có thể cho biết kết quả điều trị của BVDCTN số 1-BQP và những kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng hoạt động của các BVDCTN?

Đại tá, TS Nguyễn Quốc Khánh: Trong 40 ngày triển khai, BVDCTN số 1-BQP đã thu dung, điều trị cho 315 bệnh nhân, trong đó, 245 bệnh nhân được điều trị khỏi và 70 bệnh nhân chuyển viện. Quá trình điều trị, tất cả bệnh nhân đều an toàn, không có tai biến, tai nạn; không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Về kiến nghị, theo tôi, khi xây dựng tổ chức biên chế, đối với khu điều trị phải bảo đảm 50 bệnh nhân có 4-6 bác sĩ điều trị, 10-12 điều dưỡng, vì như vậy mới có sự luân phiên, nghỉ ngơi để làm việc dài ngày. Cần tăng cường lực lượng cho Khoa Chống nhiễm khuẩn, theo hướng mỗi BVDCTN có ít nhất 1 bác sĩ chuyên ngành và cứ 50 bệnh nhân cần 5-6 người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Các bộ phận xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ (khi cần triển khai) thì nên tổ chức theo module tiêu chuẩn, có tính cơ động cao... Cần có máy xét nghiệm chức năng đông máu và các trang bị chuyên dụng khác; được xây dựng cơ sở dữ liệu, mẫu biểu thống nhất để quản lý bệnh án online; lắp camera IP theo dõi tại các buồng bệnh để giảm tiếp xúc cho nhân viên y tế. BVDCTN cũng cần có con dấu, tài khoản riêng. Ban CHQS địa phương cần quan tâm bảo đảm nhanh các nhu cầu hậu cần, phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ tốt an ninh, trật tự vòng ngoài cho bệnh viện...

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN CHIỂN (thực hiện)