Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch

Ngay khi trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong đợt dịch mới vào ngày 29-7, UBND thành phố đã yêu cầu tất cả sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khởi động lại toàn bộ hoạt động của ban chỉ đạo và các đội phản ứng nhanh PCD Covid-19; chuẩn bị nhân lực, vật lực cho PCD. Đặc biệt, nhấn mạnh yêu cầu các quận, huyện, thị xã khi phát hiện ca nhiễm phải triển khai ngay các biện pháp như ở giai đoạn PCD những tháng đầu năm 2020 đã thực hiện.

Trong đợt dịch lần này, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 1 trường hợp nhiễm Covid-19 là bệnh nhân số 962 được Bộ Y tế công bố ngày 16-8. Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu: Sau khi phát hiện ca nhiễm, Ban chỉ đạo PCD của quận đã thực hiện các biện pháp PCD theo chỉ đạo của thành phố. Ngay trong đêm, quận đã áp dụng các biện pháp truy vết, lập danh sách và thực hiện cách ly đối với người tiếp xúc. Qua đó, phát hiện 3 trường hợp tiếp xúc F1 với bệnh nhân này để lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung. Cùng với đó, tiếp tục truy vết và xác định 98 trường hợp tiếp xúc F2 với bệnh nhân để cách ly tại nhà dưới sự quản lý của phường.

Tại quận Hoàn Kiếm, tuy chưa xuất hiện ca nhiễm bệnh nhưng với đặc thù dân cư đông đúc, người dân đến làm việc, vui chơi đông, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, 18 phường của quận đã thành lập 475 tổ truy vết và thực hiện các biện pháp PCD tại cơ sở; mỗi tổ phụ trách 40-60 gia đình. Đồng thời, quận đã kiểm tra, giám sát tại 153 phòng khám tư nhân, bệnh viện; 123 nhà thuốc trên địa bàn để theo dõi sức khỏe người tiếp xúc gần và người đi từ vùng dịch về theo quy định. Đến nay, các nhà thuốc trên địa bàn cũng đã lập 5.749 tờ khai y tế gửi về Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra, quận cũng tổ chức tuyên truyền tại phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm để người dân thực hiện đúng việc giữ khoảng cách; tạm dừng tổ chức các lễ hội và hoạt động có tập trung đông người tại khu vực phố đi bộ. Từ ngày 8-8 đến 16-8, quận đã xử lý 140 trường hợp có hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 28 triệu đồng.

Các địa phương khác thuộc thành phố cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo về PCD; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế ra khỏi nhà, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tạm dừng các hoạt động lễ hội, sự kiện lớn, tiệc tùng, liên hoan; tạm dừng hoạt động các quán bar, karaoke trên địa bàn.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người dân trở về từ Đà Nẵng tại phường Thành Công, quận Ba Đình. Ảnh: PHẠM HÙNG.

Vẫn còn hiện tượng lơi lỏng trong phòng, chống dịch

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đánh giá: Mặc dù Hà Nội đã có ca lây nhiễm thứ phát và hiện tượng dịch tán phát tại cộng đồng, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn. Các ca lây nhiễm chủ yếu là xâm nhập từ địa phương khác, song công tác PCD vẫn phải được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho hay, việc tuân thủ các biện pháp PCD của người dân trong đợt dịch này chưa nghiêm túc như đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn... Chính vì vậy, việc lây lan dịch bệnh từ các địa điểm này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội Trương Quang Việt cũng cho biết, hiện nay ở một số nơi, ý thức của người dân có phần chủ quan, lơi lỏng so với giai đoạn trước; nhất là việc giữ khoảng cách khi ở nơi công cộng; tụ tập đông người tại các nhà hàng; đeo khẩu trang, sát khuẩn tay không được thực hiện nghiêm túc... Một số cơ quan, đơn vị, khi CDC Hà Nội kiểm tra vẫn chưa có các phương án PCD trong trường hợp dịch Covid-19 lây lan rộng; sự giám sát đối với hoạt động PCD của một số đơn vị chưa chặt chẽ.

Hoàn thành xét nghiệm người từ Đà Nẵng về vào ngày 20-8

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo PCD Covid-19 thành phố, thời gian qua, các quận, huyện, thị xã đã quản lý chặt chẽ những địa điểm xuất hiện ca bệnh, nhất là rà soát các trường hợp tiếp xúc F1 để tổ chức cách ly tập trung. Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đối với những trường hợp trở về từ Đà Nẵng; phấn đấu đến 20-8 sẽ hoàn thành việc xét nghiệm. Ông Ngô Văn Quý cho rằng: “Nếu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp PCD, tình hình trên địa bàn thành phố vẫn sẽ trong tầm kiểm soát, chưa có nguy cơ lây lan rộng”.

Trưởng ban chỉ đạo PCD Covid-19 thành phố nhận định, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là rất lớn. Do đó, từ 0 giờ ngày 19-8, các nhà hàng, quán bia, quán cà phê phải thực hiện nghiêm việc ngồi giãn cách tối thiểu 1m; tổ chức đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước rửa tay sát khuẩn; toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang, có biển hướng dẫn PCD. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, nếu không bảo đảm tiêu chí an toàn PCD, thành phố sẽ yêu cầu dừng hoạt động để tránh lây nhiễm.

Ông Ngô Văn Quý cũng đề nghị, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức PCD cho người dân: Đeo khẩu trang nơi công cộng; không tập trung đông người; người cao tuổi, có bệnh nền nặng không ra ngoài khi không có việc cần thiết; thực hiện khai báo y tế theo quy định, khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

NGUYỄN VŨ