Trong một bài viết có tựa đề “How Vietnam is winning its 'war' on coronavirus” (tạm dịch: Việt Nam đang giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 như thế nào?), tờ DW của Đức cho biết, ngay từ cuối tháng 1 vừa qua, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vẫn còn đang chỉ giới hạn tại Trung Quốc và chưa lan rộng ra toàn thế giới, Chính phủ Việt Nam đã “tuyên chiến” với dịch bệnh này. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã sớm triển khai thực hiện các biện pháp cách ly quyết liệt cũng như “xác định tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với virus”. Bài viết trích dẫn một ví dụ là toàn bộ xã Sơn Lôi thuộc huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc đã bị phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 hồi đầu tháng 2 vừa qua.

Một hình ảnh trong video clip "Ghen Cô Vy" trên Youtube. Ảnh: Euronews.

Theo DW, Chính phủ Việt Nam cũng rà soát cụ thể trên một phạm vi lớn bất kỳ người nào có thể đã tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Không chỉ theo dõi người nhiễm bệnh và những người tiếp xúc trực tiếp với họ, Việt Nam còn xác định cả những trường hợp tiếp xúc gián tiếp với người nhiễm bệnh. “Tất cả những người này sau đó đều được áp đặt nghiêm ngặt các hạn chế đi lại và tiếp xúc. Và ngay từ rất sớm, bất kỳ ai nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch đều được cho cách ly trong 14 ngày. Trường học đã đóng cửa ngay từ đầu tháng 2. Quân đội cũng đang triển khai nhân lực và vật lực tham gia cuộc chiến chống Covid-19”, bài viết nhấn mạnh.

Dẫn lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng, chống dịch”, tờ DW cho rằng phát biểu ấy đã phản ánh đúng tâm lý của người dân Việt Nam-“những người vẫn luôn tự hào về khả năng đoàn kết trong khủng hoảng và vượt qua khó khăn”. Cùng với đó, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về đại dịch Covid-19, báo chí Việt Nam đã “triển khai chiến dịch thông tin tuyên truyền trên quy mô lớn”. Tờ DW cũng không quên đề cập đến ca khúc “gây bão” Ghen cô Vy-ca khúc cổ động phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế Việt Nam trên YouTube. “Tâm lý chung của người dùng mạng xã hội và các cuộc trò chuyện với nhiều người Việt Nam đều cho thấy đa số người dân ủng hộ các giải pháp ứng phó dịch bệnh của Chính phủ. Người dân tự hào rằng Việt Nam đang tương đối thành công trong ứng phó với cuộc khủng hoảng này. Rõ ràng cho đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống Covid-19”, tờ DW nhấn mạnh.

Trong khi đó, đánh giá thông tin về dịch bệnh đến người dân Việt Nam được bảo đảm minh bạch, tờ Financial Times của Anh cho rằng, báo chí trong nước đã liên tục cập nhật thông tin về các thông điệp của Chính phủ trong phòng, chống Covid-19. Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi tin nhắn qua điện thoại nhằm cập nhật thông tin về dịch bệnh và đưa ra các khuyến cáo sức khỏe cho người dân. Cùng với đó, nhằm tránh gây hoang mang dư luận, Chính phủ Việt Nam còn mạnh tay với vấn nạn “tin giả” vốn vẫn thường xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội. Theo đó, nhiều đối tượng phao tin đồn thất thiệt đã bị xử lý. Tờ Financial Times dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy phần lớn người dân Việt Nam “nhận thức cao” về các triệu chứng của dịch Covid-19. “Các nỗ lực ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của hầu khắp người dân”, tờ Financial Times khẳng định. Điều này, theo Financial Times, có thể dễ dàng nhận thấy qua nhiều bài đăng cổ vũ tinh thần các nhân viên y tế và khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước” trên mạng xã hội tại Việt Nam.

Chia sẻ với Sputnik, nhà Việt Nam học người Nga Natalya Nikokosheva đã sống ở TP Hồ Chí Minh 16 năm qua cho biết, nhằm đối phó với dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện hàng loạt biện pháp “giãn cách xã hội” như hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người, cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ học... Theo bà Natalya Nikokosheva, hiện không khó để bắt gặp hình ảnh người dân Việt Nam đeo khẩu trang, cho dù là trên taxi, trong các cửa hiệu, văn phòng hay trên đường phố. “Khẩu trang có bán và được phát miễn phí, riêng tôi đã được tặng đến cả hàng chục chiếc. Gel rửa tay khô được bán khắp nơi. Dung dịch sát khuẩn được đặt ở tất cả các cửa hàng, cơ quan, cả trong thang máy”, Sputnik dẫn lời bà Natalya Nikokosheva cho biết. Đánh giá Chính phủ Việt Nam đã hành động “nhanh và đúng” trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, bà Natalya Nikokosheva nhấn mạnh: “Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem Việt Nam là điển hình cho thấy cần hành động như thế nào trong đại dịch”.

HOÀNG VŨ