Cả ngày tất bật với củi lửa, nấu nướng, niềm vui của các anh nuôi là được chứng kiến sự hài lòng của mỗi người dân khi đón nhận những hộp cơm thấm đẫm tình cảm quân dân.
Sáng nào cũng vậy, trước khi bắt tay vào công việc, toàn bộ 61 cán bộ, chiến sĩ bộ phận nuôi quân, phục vụ đều được Trung úy QNCN Nguyễn Văn Cảnh, nhân viên quân y Tiểu đoàn 1 (Trường Quân sự Quân khu 5) kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt rất kỹ càng. Để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, lương thực, thực phẩm nhập bếp đều được bao gói thành hai lớp, sau khi kiểm tra, khử khuẩn sẽ được cân đong, ghi chép “tay ba” rồi chuyển sang cho bộ phận chế biến. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, các “anh nuôi, chị nuôi” phải ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt ngay tại nhà ăn, nhà bếp, tuyệt đối không tiếp xúc gần với các lực lượng khác trong khu cách ly.
 |
Chiến sĩ nuôi quân Trường Quân sự Quân khu 5 chế biến thức ăn trong khu cách ly.
|
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Phạm Quang Hạnh, trợ lý hậu cần Tiểu đoàn 1, cán bộ phụ trách bếp ăn cho biết: “Phần lớn lực lượng nuôi quân, phục vụ là những cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị khác được nhà trường điều động sang tăng cường cho trung tâm, song anh em luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt việc bảo đảm cơm nước phục vụ bà con. Để người dân ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, thực đơn hằng ngày được chúng tôi tính toán, thay đổi thường xuyên. Bữa sáng thường có bún, phở, mỳ quảng, hủ tiếu, xôi đậu; còn bữa trưa, bữa chiều ngoài cơm, canh sẽ có thêm hai món mặn, một món rau, hoa quả tráng miệng. Quân số ăn đông nên công việc của các “anh nuôi” chẳng lúc nào được thảnh thơi. Từ sáng sớm đến tối mịt lúc nào cũng phải làm việc luôn tay, luôn chân”.
Trong lúc các nhân viên của bếp ăn xã hội hóa khẩn trương chế biến món ăn, thì cán bộ, chiến sĩ nuôi quân cũng khẩn trương vệ sinh nhà ăn, chuẩn bị chia thức ăn theo từng suất. Dưới cái nắng trưa, cộng với hơi nóng phả ra từ những chiếc bếp hơi khiến ai cũng cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, song ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bộ đội luôn tự giác đeo khẩu trang, găng tay. Chị Lê Thị Ninh, nhân viên bếp ăn xã hội hóa của trung tâm có hai con nhỏ, chồng đi công tác vắng, song vì nhiệm vụ, suốt hai tuần nay chị đã không về thăm con. Coi mọi người trong khu cách ly như những người thân của mình, mỗi món ăn đều được chị chế biến, sắp xếp rất ngon mắt, ngon miệng.
Theo Đại úy QNCN Võ Đăng Châu, nhân viên quản lý trung tâm, công dân cách ly tại đây là những bệnh nhân và người nhà của họ, được chuyển đến từ các bệnh viện lớn của TP Đà Nẵng đang bị phong tỏa nên chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng khá khác biệt và cầu kỳ. Hằng ngày, căn cứ vào số lượng người đăng ký ăn cơm, ăn cháo, ăn chay, ăn kiêng, bộ đội sẽ tính toán, xây dựng thực đơn sao cho phù hợp. Cơm canh sau khi đóng gói sẽ được chuyển ra, bàn giao cho lực lượng chuyên trách để mang xuống từng phòng ở cho người dân. Để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh, toàn bộ thức ăn dư thừa sẽ được thu gom, tiêu hủy theo đúng quy định. Qua sinh hoạt, trao đổi, bà con đều đánh giá rất cao chất lượng bữa ăn và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ nhà ăn, nhà bếp.
Là một trong những bệnh nhân lớn tuổi nhất ở khu cách ly, bác Nguyễn Đức Thu (98 tuổi, trú tại TP Đà Nẵng) tâm sự: “Thương chúng tôi già yếu, mỗi lần xuống đưa cơm, phát thuốc, cấp khẩu trang, kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, các chú bộ đội, các cô y tá đều thăm hỏi, động viên rất ân cần, chu đáo”.
Sư cô Ngô Thị Nhã Quyên (42 tuổi, chùa Bảo Thắng, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cảm kích: “Mỗi lần mở hộp cơm chay, chúng tôi lại rưng rưng xúc động. Bộ đội không chỉ nấu ăn ngon mà còn chế biến, bày biện đẹp mắt. Mỗi bữa nấu 5-7 thực đơn khác nhau thế này, chắc các chú bộ đội vất vả lắm. Sự quan tâm, tình thương yêu của các chiến sĩ dành cho người dân thể hiện rất rõ trong những phần cơm, suất cháo. Bưng bát cơm ngon, chúng tôi luôn nhớ ơn bộ đội”.
Cả ngày vất vả bận rộn với công việc, sau giờ sinh hoạt rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch, các chiến sĩ nuôi quân, phục vụ lại quây quần trong căn phòng nhỏ dã chiến, được ngăn ra từ một phần của nhà ăn, vỗ tay, bắt nhịp hát vang “...Nổi lửa lên em, nổi lửa lên em. Ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh. Núi rừng xanh dồn dập bước quân hành...”.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG - TIẾN DŨNG