Những hoàn cảnh đặc biệt

Gần hai tháng trôi qua nhưng Phạm Yến Nhi (22 tuổi, ngụ phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi buồn trước sự mất mát quá lớn, khi cả bố và mẹ đều đột ngột qua đời vì Covid-19. Là chị cả trong gia đình có 4 người con, Yến Nhi cố gắng giữ vững tinh thần để làm chỗ dựa cho các em. Yến Nhi tâm sự rằng, bố làm bảo vệ dân phố, tham gia phòng, chống dịch ở phường rồi không may nhiễm Covid-19 và không qua khỏi. Mẹ của Nhi cũng qua đời sau đó hơn một tuần cũng vì Covid-19.

Yến Nhi tâm sự: “Hiện em có hai em gái là Phạm Lâm Yến Hoàng học lớp 5 tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Lâm Yến Phụng học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp, quận 12. Do học trực tuyến nên phải mượn điện thoại của ông bà ngoại, cậu gần nhà để có thiết bị học. Em cố gắng động viên các em an tâm học tập và cùng động viên nhau vượt qua khó khăn trước mắt. Sau dịch, em sẽ đi tìm công việc để có thu nhập lo cho các em ăn học đến nơi đến chốn”.

Người mẹ qua đời vì Covid-19 khi vừa sinh em bé được hơn hai tháng là nỗi đau lớn của em Nguyễn Phương Quỳnh Như (học sinh lớp 9, ngụ phường 10, quận Tân Bình). Quỳnh Như là con thứ hai trong gia đình có ba anh em. Quỳnh Như xúc động chia sẻ: “Mẹ và bà nội của em đã qua đời vì Covid-19. Bố của em làm nghề phụ hồ nhưng do dịch bệnh nên thất nghiệp nhiều tháng qua. Hằng ngày, em phụ bố chăm sóc cho đứa em nhỏ, khi đến giờ học trực tuyến thì bố trông hoặc gửi em nhỏ sang nhà người cô ở gần trông hộ”.

Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tặng máy tính xách tay cho học sinh mồ côi. 

Cùng hoàn cảnh mất mẹ vì Covid-19, em Huỳnh Tấn Phát (sinh năm 2013, ngụ TP Thủ Đức) đang được bà nội chăm sóc. Bố của Phát cũng mắc Covid-19, điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 một thời gian thì được cho về cách ly, theo dõi tại nhà. Bà Nguyễn Thị Mai (bà nội em Phát) cho biết: “Cháu Phát còn người em gái nhỏ gần hai tháng tuổi. Hoàn cảnh cả gia đình đang rất khó khăn vì dịch bệnh. Vừa qua, tổ chức Đoàn Thanh niên của địa phương đã đến trao bảo trợ học tập cho cháu Phát đến hết lớp 12, gia đình bớt lo lắng hơn về con đường học tập của cháu”.

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên tại TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê đến giữa tháng 9-2021, thành phố có 10.073 học sinh, gần 3.390 giáo viên đang thuộc diện F0, 1.517 học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi do dịch Covid-19. Học sinh mồ côi tập trung nhiều nhất ở các quận: 8, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Hóc Môn...

Nỗ lực chăm lo, tiếp sức để các em được đến trường

Trực tiếp đến động viên, chia sẻ với những mất mát của em Nguyễn Hữu Khanh (12 tuổi) và Nguyễn Tường Vy (6 tuổi), ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, có mẹ vừa qua đời do mắc Covid-19, chị Trần Thị Huyền, Phó bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội quận Bình Tân cho biết: “Tổ chức Đoàn, Đội cùng với nhà hảo tâm sẽ đồng hành với hai em đến hết lớp 12. Trước mắt, hỗ trợ máy tính bảng cho em Hữu Khanh phục vụ học tập trực tuyến, vận động chủ nhà trọ lắp wifi miễn phí, hỗ trợ sách giáo khoa, quần áo cho em Tường Vy học lớp 1 và em Khanh học lớp 6. Về lâu dài, bên cạnh bảo trợ học tập, các đoàn thể sẽ có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực để hỗ trợ các em đến trưởng thành”.

Trao học bổng hỗ trợ học tập đến hết bậc THPT cho học sinh mồ côi tại quận Bình Tân. 

Trước thềm năm học mới 2021-2022, Thành đoàn, Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh cùng với Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các quận, huyện, TP Thủ Đức đã tích cực kết nối những trường hợp học sinh mồ côi với các nhà hảo tâm để kịp thời trao học bổng bảo trợ học tập đến hết bậc trung học phổ thông. Chị Trần Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố thông tin rằng: “Từ ngày 10-8 đến nay, đã có hơn 150 nhà hảo tâm, cá nhân, tập thể đăng ký hơn 400 suất học bổng với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng dành cho học sinh mồ côi. Hội đồng Đội Thành phố còn phối hợp với các đơn vị nhằm kịp thời đưa sách giáo khoa, thiết bị điện tử đến các em để hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập trực tuyến”.

Về phía các địa phương, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã tích cực rà soát, nắm tình hình trẻ em mồ côi vì Covid-19, trong đó có học sinh mồ côi vì Covid-19, để vận động hỗ trợ với mức hỗ trợ 3-5 triệu đồng/người. Ngoài những chính sách chung, các địa phương cũng vận động chăm lo học bổng, bảo trợ các học sinh đến hết bậc trung học phổ thông. Trước mắt, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, sẽ hỗ trợ, chăm lo lương thực thực phẩm, bánh, sữa cho các em.

Là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, quận 8 hiện có 148 học sinh có cha, mẹ mất do dịch. Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Phó chủ tịch UBND quận 8, cả hệ thống chính trị quận cùng vào cuộc chăm lo, giúp các em học sinh ổn định sức khỏe, có điều kiện học tập tốt, vươn lên trong cuộc sống. “Các phường đang tích cực rà soát, nắm lại từng hoàn cảnh của học sinh mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh để phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, cơ quan MTTQ quận để có sự chăm lo lâu dài đối với các em” – ông Sang cho biết thêm.

Các doanh nghiệp tại TP Thủ Đức chung tay đồng hành chăm lo học sinh mồ côi do dịch Covid-19.

Còn tại huyện Bình Chánh, địa phương đã triển khai mô hình “Trao gửi yêu thương” chăm lo cho các em rơi vào cảnh mồ côi vì Covid-19 với 106 em. Sau khi vận động được nguồn lực, huyện sẽ giao Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý quỹ và chăm lo các em lâu dài. Mục tiêu của huyện là vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm lo các em cho đến khi đủ 18 tuổi, hoàn thành chương trình học phổ thông, nếu có khả năng thì chăm lo đến khi hoàn thành bậc đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp.

Chia sẻ về cách làm của quận Bình Tân, bà lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận cho biết: “Ngoài các khoản hỗ trợ theo quy định, địa phương vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những trường hợp khó khăn nhất, mỗi em 5 triệu đồng để mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới. Về lâu dài, quận yêu cầu các phường rà soát, cập nhật danh sách và có phương án giúp đỡ cụ thể”.

Đối với ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh, dù đã có sự chuẩn bị kỹ về phương án học tập, song trước tác động của dịch Covid-19, học sinh thành phố bước vào năm học mới còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chịu nhiều tổn thương do dịch. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã huy động, tiếp nhận nhiều nguồn hỗ trợ về trang thiết bị học trực tuyến (máy tính xách tay, máy tính bảng), học bổng… và sẽ chuyển hỗ trợ đến các học sinh không may bị mồ côi do dịch bệnh bảo đảm đảm hợp tình, hợp lý.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, với mỗi hoàn cảnh học sinh mồ côi do dịch Covid-19, các phòng giáo dục, các trường học cần nắm thông tin, hồ sơ riêng của mỗi em để bảo đảm quyền riêng tư. Mọi hoạt động chăm lo, hỗ trợ phải thiết thực, cụ thể và tôn trọng nguyện vọng của học sinh, nhằm động viên, chia sẻ kịp thời, giúp các em có thêm điều kiện để vượt qua khó khăn, mất mát, tiếp tục học tập.

Cần nghiên cứu thêm những chính sách kịp thời, phù hợp

Trẻ em, học sinh là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Những suất học bổng, phần quà hỗ trợ tuy không thể giải quyết hết những khó khăn, mất mát do dịch Covid-19 gây ra đối với học sinh tại TP Hồ Chí Minh, nhưng sẽ góp phần động viên, chia sẻ, tiếp thêm nghị lực, niềm tin để các em vững bước đến trường. Về kế hoạch hỗ trợ những trẻ thuộc diện trên được đi học lâu dài, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố, UBND Thành phố đã đồng ý chủ trương miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố thông tin thêm: “Trường hợp trẻ em có cha mẹ qua đời vì Covid-19, căn cứ khoản 1, điều 5, chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP, được xét trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp hệ số 2,5 đối với trẻ mồ côi dưới 4 và hệ số 1,5 đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi và được duy trì hưởng chính sách trợ giúp xã hội nếu các em đang học văn hóa, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề, cao đẳng, đại học nhưng tối đa không quá 22 tuổi”.

Tặng quà Trung thu cho học sinh mồ côi tại quận 6. 

Về lâu dài, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo UBND quận, huyện và TP Thủ Đức lập danh sách trẻ em mồ côi vì Covid-19, tổ chức thăm hỏi, động viên và nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng các em để tham mưu xây dựng chính sách trước mắt và lâu dài cho từng nhóm, trình UBND thành phố trước ngày 25-9. Trong đó, các địa phương sẽ phân nhóm trẻ gồm: Gia đình tự nuôi dưỡng, gửi trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, mái ấm tình thương, gửi đến các tổ chức có tâm nguyện nuôi dưỡng, cũng như nguyện vọng khác. Ban Tôn giáo, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố làm việc với các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp có tâm nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu mồ côi do dịch Covid-19 để lắng nghe các kiến nghị, báo cáo về UBND thành phố trước ngày 25-9. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị hướng dẫn các địa phương, đơn vị thăm hỏi, nắm nguyện vọng, tổng hợp báo cáo để tham mưu đề xuất hệ thống các chính sách chăm lo cho các trẻ mồ côi từ nhỏ đến khi trưởng thành, trình UBND thành phố trước ngày 30-9.

Trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 sẽ là vấn đề tiếp tục kéo dài, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định, thành phố cũng cần nghiên cứu thêm các chủ trương, chính sách phù hợp để tiếp tục đồng hành, giúp đỡ học sinh mồ côi. Theo các chuyên gia tâm lý, học sinh không may bị mồ côi do Covid-19 đang rất cần được quan tâm về dinh dưỡng, giáo dục, y tế, sức khỏe tinh thần, thể chất… Trong đó, vấn đề lớn nhất là những sang chấn tâm lý đối với các em sẽ đặt ra thách thức lớn cho ngành chức năng để có thể chăm lo cho các em vững chắc trong tương lai. Với những học sinh đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần thì cần hơn nữa sự quan tâm, san sẻ của nhà trường, giáo viên và gia đình, giúp các em sớm cân bằng, cùng với đó là các em cần được trợ giúp, tư vấn tốt hơn về pháp lý.

Bài, ảnh: XUÂN CƯỜNG - HÙNG KHOA