Bộ Y tế cho biết, ngày 26-4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân nam, 63 tuổi, có địa chỉ tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, là lễ tân khách sạn, bệnh nhân có tiền sử dịch tễ phục vụ hằng ngày tại khu cách ly có chuyên gia Ấn Độ đang cách ly tại khách sạn (trước đó đã ghi nhận 4 trường hợp chuyên gia Ấn Độ cách ly ngay sau nhập cảnh ngày 18-4, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại khách sạn này). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
 |
Ảnh minh họa/Nguồn: Bộ Y tế. |
Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan trong khu cách ly và ra cộng đồng; Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia điện và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái chỉ đạo tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, thực hiện thần tốc truy vết, cách ly y tế.
Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm diện rộng bao gồm: Người thân, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ tại khách sạn, người tiếp xúc gần... để tiến hành xét nghiệm khẳng định; tổ chức giám sát chặt chẽ hàng ngày tình hình sức khỏe và tổ chức cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, nếu phát hiện bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm; tiến hành ngay việc xử lý, phun khử trùng triệt để môi trường tại nơi bệnh nhân thường trú; các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình, quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây ra cộng đồng.
Bộ Y tế ra mắt Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19
Ngày 28-4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ra mắt Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine Covid-19 nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị Covid-19 và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine Covid-19 cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, từ giữa năm 2020, Bộ Y tế đã khẩn trương, minh bạch thực hiện công tác đàm phán, mua vaccine cũng như chuẩn bị hậu cần để nhanh chóng cung ứng vaccine vào triển khai tiêm chủng. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 |
Toàn cảnh hội nghị. |
Theo Bộ Y tế, tính từ ngày 8-3 đến hết ngày 27-4, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và đợt 2 cho 318.792 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị người bệnh Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng trên toàn quốc.
Vaccine Covid-19 cũng như các vaccine khác, quá trình triển khai có thể có phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ, trong đó phổ biến là sốt nhẹ cùng với các triệu chứng, như: Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh. Ngoài ra, có tỷ lệ từ 1% đến dưới 10% xảy ra hiện tượng sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Thậm chí, sau khi tiêm có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ.
Để triển khai công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 được an toàn, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine, bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; bảo đảm tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có)... Đặc biệt, thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng trên nguyên tắc an toàn, thận trọng, thực hiện từng bước và tăng cường tối đa độ bao phủ.
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc an toàn hơn nữa đối với công tác tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê làm Phó Trưởng ban Thường trực. Các thành viên còn lại là lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế, các chuyên gia lĩnh vực hồi sức cấp cứu, bệnh truyền nhiễm, dịch tễ... của Bộ Y tế.
Bệnh nhân Covid-19 có thể tái nhiễm với biến chủng mới
Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành phố ra mắt Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine Covid-19 diễn ra ngày 28-4 tại Hà Nội, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, cả thế giới đang chú ý đến biến chủng kép là B1.617 từ Ấn Độ, biến chủng đầu tiên của nó là B.1.1.7 từ Anh đã thấy rõ mức độ lây lan rất nhanh, tăng hơn 70% so với chủng ban đầu.
 |
Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19. Ảnh: suckhoedoisong.vn |
Với chủng kép này, mức độ lây nhiễm còn nhanh hơn, nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể. Hiện đã có sự lây lan của biến chủng này sang các nước khác. "Có nhiều lý do gây ra tình trạng số ca tử vong ở Ấn Độ tăng cao, trong đó, các nhà chuyên môn đang nghiên cứu về độc lực của chủng mới xem có nặng nề, nguy hiểm hơn không. Nhiều ý kiến cho rằng, phải vài ngày nữa Ấn Độ mới đạt đỉnh con số trường hợp tử vong. Hiện, trung bình mỗi ngày, Ấn Độ có hơn 2.000 ca tử vong nhưng khi đạt đỉnh, con số này có thể lên tới 13.000 ca/ngày", ông Nguyễn Văn Kính đưa ra nhận định.
Tại hội nghị trả lời câu hỏi về việc Ấn Độ đã tiêm phòng vaccine Covid-19 cho nhiều người nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, thậm chí, nhiều người tiêm phòng vẫn mắc bệnh, ông Nguyễn Văn Kính cho rằng, vấn đề này liên quan đến miễn dịch cộng đồng. Ấn Độ có 1,3 tỷ dân nhưng mới tiêm vắc xin cho 130 triệu người (khoảng 10% dân số). Trong khi muốn có miễn dịch cộng đồng do tiêm vaccine thì ít nhất 2/3 dân số phải được tiêm đầy đủ các mũi vaccine mới ngăn được dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, đóng góp của vaccine trong phòng, chống Covid-19 là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện nguồn cung vắc xin vẫn thiếu và nước ta chưa triển khai tiêm trên diện rộng. Do đó, chiến lược "5K + vaccine" vẫn phải duy trì, trong đó, đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người là điều rất quan trọng.
Tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế tư nhân
Bộ Y tế vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời, hiệu quả và tránh lây nhiễm chéo tại cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Bộ Tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp" và Quyết định số 4999/QĐ-BYT ngày 1-12-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Bộ Tiêu chí Phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp".
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tăng cường các hình thức tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh thông qua điện thoại và các thiết bị viễn thông khác; tăng cường công tác phát hiện sớm, phân luồng, cách ly, xét nghiệm... các trường hợp nghi ngờ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 3088/QĐ-BYT và Quyết định số 4999/QĐ-BYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân không đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế cho tạm thời dừng hoạt động để khắc phục theo đúng quy định.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn tại địa phương, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả.
Bộ Y tế ra hướng dẫn mới chẩn đoán và điều trị Covid-19
Bộ Y tế vừa quyết định ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 26-4 và thay thế cho Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19do chủng virus SARS-CoV-2 ban hành kèm theo Quyết định số 3351/QĐ-BYT ngày 29-7-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. Virus SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua đường khí dung (aerosol), đặc biệt tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín. Bên cạnh đó, virus cũng liên tục biến đổi tạo ra hàng nghìn biến thể khác nhau trên toàn thế giới, làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.
Người mắc Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm. Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của "cơn bão cytokine" và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch.
Hiện tại, chưa có thuốc đặc hiệu đối với Covid-19 nên chủ yếu bệnh nhân được điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vaccine, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết, thời gian ủ bệnh của Covid-19 từ 2 đến 14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Triệu chứng khởi phát hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Ngoài ra, có khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày.
Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện... Khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp, như: thở nhanh, khó thở, tím tái..., hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Bộ Y tế cũng quy định, người bệnh được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn: hết sốt, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.
Ngoài ra, được ra viện là những người bệnh đã qua cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày từ khi có triệu chứng lâm sàng đầu tiên, đồng thời có tối thiểu hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau từ 48 đến 72 giờ) có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38°C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác thì người bệnh phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.
Cùng với đó, người bệnh được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR tại thời điểm ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Những trường hợp đã qua xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mà tái dương tính trong thời gian theo dõi sau xuất viện thì cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7.
THÁI SƠN