Tại tỉnh Tây Ninh ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 8-6, từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 10-6 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

 

Tại Bắc Giang ghi nhận 23 ca trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Bắc Ninh ghi nhận 23 ca mắc mới, trong đó có 10 ca liên quan đến ổ dịch khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm. Kết quả xét nghiệm ngày 10-6 dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Tiền Giang ghi nhận 2 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 10-6 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 20 ca, trong đó có 3 ca liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng, 17 ca là các trường hợp F1; đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Hà Tĩnh ghi nhận 2 ca là F1 của bệnh nhan 9567; đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 10-6 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.

Như vậy trong ngày 10-6, Việt Nam ghi nhận thêm 219 ca mắc mới. Tính đến tối 10-6, Việt Nam có tổng cộng 8.165 ca ghi nhận trong nước và 1.619 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 6.595 ca. Có 16 tỉnh Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Số lượng xét nghiệm từ ngày 29-4 đến nay đã thực hiện 1.899.644 mẫu cho 4.034.665 lượt người.

Về tình hình điều trị, hôm nay có 72 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy tính đến chiều 10-6, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 3.708 ca. Số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 267 ca; lần 2 là 96 ca; lần 3 là 55 ca; số ca tử vong là 55 ca.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết ngày 21-6 dịch cơ bản ổn định

Ngày 10-6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trước khi Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chính thức rút khỏi địa bàn tỉnh.

Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá đến hiện tại, về cơ bản nhiệm vụ của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã hoàn thành với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đảng ủy, UBND, lãnh đạo các sở ban ngành và nhân dân toàn tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tại cuộc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái. Ảnh: Bộ Y tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định, nhờ Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế mà tỉnh đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh dù nguy cơ lây nhiễm từ khu công nghiệp là rất lớn. Công tác thiết lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị rất kịp thời, tốc độ và hiệu quả. Đặc biệt, hai trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với 58 giường tại Bệnh viện Phổi và 101 giường tại Bệnh viện Tâm thần là bước triển khai đáng ghi nhận của Bộ phận thường trực. Tính đến hiện tại, Bắc Giang chống dịch vững vàng, giai đoạn khó nhất, vất vả nhất đã qua. Công việc trước mắt là giữ vững đường đi nước bước để hoàn thành công tác dập dịch. Bắc Giang quyết định sẽ mở cuộc tổng tiến công, phấn đấu hết ngày 21-6 cơ bản ổn định tình hình dịch, không còn F0 hoặc lác đác 1-2 ca.

Trong thời gian tới, tỉnh có kế hoạch giảm bớt cơ sở thu dung nhỏ lẻ thu về chung chỗ lớn, đặc biệt đưa các trung tâm y tế huyện hoạt động trở lại. Nếu cơ sở nào có dưới 100 ca bệnh thì sẽ đưa hết về 1 khu thu dung điều trị ban đầu Covid-19 với quy mô 1.800 giường tại Công ty Luxshare để “làm sạch” cơ sở y tế huyện phục vụ nhân dân”, ông Lê Ánh Dương chia sẻ.

Người dân cần cảnh giác với trò lừa đảo tiêm vaccine phòng Covid-19

Chiều 10-6, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Theo đó, hiện nay, xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng... Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa. Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.

Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lưu ý, theo khuyến cáo của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian. Trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Ảnh minh họa: Bộ Y tế 

Ngoài ra, các loại vaccine phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi lô vaccine phòng Covid-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý dược kiểm soát cấp phép lưu hành. Các lô vaccine nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định. Tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh. 

Cũng theo Bộ Y tế, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Huyện Hiệp Hòa cần xây dựng kế hoạch cao điểm để sớm dập dịch thành công

Ngày 10-6, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cùng các chuyên gia thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã tới huyện Hiệp Hòa để kiểm tra và đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đoàn công tác đã đến thăm chốt phong tỏa y tế tại 2 thôn Đông Lỗ và Hưng Đạo (thuộc xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa). Đại diện địa phương thông tin, kể từ ngày 26-5, thôn Đông Lỗ là địa phương phát sinh trường hợp F0 đầu tiên, sau đó lây lan cho các thành viên trong gia đình và đến ngày 31-5 thôn có 6 ca F0, đến nay không còn phát sinh thêm ca nào.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang cùng các chuyên gia Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Bộ Y tế

Sau đó, đoàn đã đến kiểm tra khu vực cách ly tập trung tại Trường THCS Đoan Bái. Tại điểm này, thời điểm đông nhất đã cách ly 74 trường hợp F1. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 22 người do nhiều trường hợp hết thời hạn cách ly đã trở về nhà.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 huyện Hiệp Hòa, đến ngày 10-6, huyện có 74 trường hợp F0, 893 trường hợp F1, 6.200 F2. Hiện đã có 3 F0 khỏi bệnh. Thực hiện công tác phòng, chống dịch, huyện đã thiết lập vùng cách ly y tế 25 xóm của 21 thôn thuộc 12 xã; kích hoạt và duy trì 30 cơ sở cách ly, trong đó 5 cấp huyện, 25 cấp xã.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhấn mạnh: Hiệp Hòa là địa bàn tiếp giáp với tâm dịch Việt Yên, có nhiều nhà máy, khu công nghiệp với số lượng công nhân hơn 36.000 người. Đây là địa phương có nguy cơ lây cao. Tuy nhiên, thời gian qua huyện đã nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, được đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá là địa phương tương đối an toàn.

Trong thời gian tới huyện Hiệp Hòa cần tiếp tục duy trì trạng thái an toàn, làm tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Đặc biệt huyện cần xây dựng kế hoạch cao điểm để sớm dập dịch thành công.

THÁI SƠN