Lập mô hình, đưa thiết chế vào vùng phong tỏa

So với những đợt dịch trước tại các địa phương: Hải Dương, Đà Nẵng... dịch Covid-19 ở Bắc Giang "vượt trội" về quy mô, tốc độ lây lan cũng như mức độ nguy hiểm của biến chủng mới SARS-CoV-2. Vì thế, cùng với quyết định đóng cửa các KCN, UBND tỉnh Bắc Giang tiến hành phong tỏa ngay các khu dân cư có đông công nhân ở trọ tại huyện Việt Yên, như: My Điền (thị trấn Nếnh), Núi Hiểu, Tam Tầng, Quang Biểu (xã Quang Châu), Trung Đồng (xã Vân Trung) và một số xã của huyện Yên Dũng để dịch không lan rộng ra bên ngoài.

Tổ Covid cộng đồng thôn Chuông Vàng, xã Tân Hưng (Lạng Giang, Bắc Giang) đến từng nhà dân tuyên truyền phòng, chống dịch.Ảnh: THÀNH NAM

Tại các khu dân cư này, số công nhân ở trọ rất đông, ở đan xen, phức tạp, điều kiện cách ly gặp rất nhiều khó khăn. UBND và Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực này với quyết tâm không để lây nhiễm chéo và lây lan sang các địa phương khác; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội địa phương, đề cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên; đồng thời điều động tăng cường cán bộ và lực lượng quân đội, công an, y tế từ tuyến tỉnh, huyện về cơ sở, bảo đảm thực hiện nghiêm thiết chế trong vùng phong tỏa.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết: “Cùng với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, BCĐ PCD Covid-19 tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập các tổ Covid cộng đồng. Ở huyện Việt Yên và Yên Dũng-nơi có nhiều khu nhà trọ của công nhân còn thành lập các tổ Covid nhà trọ. Thành viên các tổ này được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, phương pháp công tác, có nhiệm vụ giám sát và tuyên truyền PCD Covid-19 tại cộng đồng dân cư và các khu nhà trọ, đặt dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang”.

Thực hiện nhiệm vụ, tổ Covid cộng đồng chia thành các nhóm nhỏ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp PCD Covid-19; giám sát, phát hiện, báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và ngành y tế những trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2; giúp nhân dân cung cấp, mua sắm, vận chuyển miễn phí những nhu yếu phẩm trong thời gian địa phương bị phong tỏa...

Cùng với thiết chế trong khu cách ly, vùng phong tỏa, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang luôn đề cao và phát huy sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ngày 20-5, công văn của BCĐ PCD Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã phát đi lời kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động và nhân dân thực hiện triệt để nhà cách ly với nhà, người nhà nào ở yên nhà ấy, không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài, không đến chơi nhà ai, không cho ai vào nhà mình với tinh thần “nhà nhà cửa đóng then cài”... Trước đại dịch, lời kêu gọi được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, làm theo, góp phần quan trọng để Bắc Giang từng bước chiến thắng đại dịch.

Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc tỉnh Bắc Giang giữ được hầu hết số công nhân ngoại tỉnh ở lại và phong tỏa sớm các khu vực nguy cơ cao là một nỗ lực rất lớn. Điều này giúp ngăn chặn, không để dịch lây lan trên diện rộng, góp phần quan trọng giữ an toàn cho các địa phương khác. Bên cạnh đó, một trong những đột phá là ngoài khoanh vùng "điểm nóng", Bắc Giang đã xây dựng được bản đồ dịch tễ, đồng thời từng bước giãn cách các “rốn dịch” chặt chẽ.

Kiên trì, quyết tâm “quét sạch” SARS-CoV-2

Đặc điểm virus SARS-CoV-2 ở Bắc Giang là biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn 40% so với biến thể tại Anh. Đồng thời, dịch tễ xuất hiện ở KCN nên số lượng ca bệnh có liên quan lên tới vài chục nghìn người. Do đó, việc xét nghiệm, truy vết phải thực hiện nhanh trên diện rộng, số lượng lớn.

Theo đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ PCD Covid-19 tỉnh Bắc Giang, địa phương nhận được sự quan tâm của cả nước với nhiều đoàn công tác của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Để tạo sự thống nhất, đạt được hiệu quả, tỉnh Bắc Giang phối hợp chặt chẽ và thống nhất hình thức triển khai cụ thể đối với tất cả các đơn vị, từ số người trên một bàn lấy mẫu, nhiệm vụ của mỗi thành viên, cách gọi đối tượng vào lấy, ghi mã mẫu bệnh phẩm, lập danh sách người được lấy mẫu, xếp mẫu, bảo quản, vận chuyển, bàn giao mẫu.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tổ dân phố My Điền 2, thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang). 

Quá trình lấy mẫu phải tính toán và kết hợp chặt chẽ với năng lực xét nghiệm, bảo đảm cho kết quả sớm nhất (phấn đấu trả kết quả trong vòng 24 giờ). Vì thế, khi lấy mẫu phải xác định tinh thần giải quyết dần theo cấp độ từng “điểm nóng”, không quá tham vọng giải quyết nhiều “điểm nóng” dẫn đến giải quyết không triệt để, không hiệu quả.

Thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đã phân công rõ trách nhiệm của các địa phương, đơn vị tham gia quá trình lấy mẫu và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị vật tư; UBND cấp huyện chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai ở các xã; UBND cấp xã chuẩn bị cơ sở vật chất (địa điểm, khung rạp), nhân lực (thông báo, theo dõi người đến lấy mẫu) và hậu cần phục vụ; lực lượng quân đội, công an phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, duy trì khoảng cách giữa những người đến lấy mẫu...

Với số lượng ca bệnh có liên quan dịch tễ rất lớn nên việc xét nghiệm phải thực hiện nhanh trên diện rộng. Trong khi xét nghiệm RT-PCR bắt buộc phải thực hiện trong phòng thí nghiệm và cần có thời gian, vì vậy, việc áp dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên được đề xuất triển khai để sàng lọc tại chỗ các nguồn lây nhiễm mạnh, các trường hợp có triệu chứng và thực hiện tại các khu vực tỷ lệ lây nhiễm cao, khu cách ly tập trung. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR (bao gồm mẫu gộp và mẫu đơn) được chỉ định linh hoạt theo tình hình dịch tại từng khu vực: Xét nghiệm mẫu đơn với các đối tượng nguy cơ cao (trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung, diện F1, người có triệu chứng ho, sốt, khó thở...); mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp đối với các trường hợp có nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp. Những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao thực hiện theo kế hoạch 3 ngày/lần, khu vực cộng đồng 5-7 ngày/lần để tầm soát nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

Tùy tình hình cụ thể, phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng được vận dụng linh hoạt nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, như việc chia nhỏ các nhóm đi từng ngõ xóm, đến từng gia đình, khu trọ. Chính vì vậy mà các ổ dịch tại My Điền, Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu (huyện Việt Yên) từng bước được sàng lọc, làm sạch. Tới nay, cơ bản các ổ dịch trong tỉnh Bắc Giang đã được khống chế và kiểm soát. Ngoài ra, tỉnh cũng tính đến và thử nghiệm phương án người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh (cơ quan chức năng hướng dẫn) để sẵn sàng áp dụng trong những tình huống cấp bách, dịch diễn biến phức tạp và địa phương thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Đây cũng là giải pháp mà các địa phương, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, vận dụng ứng phó với các tình huống dịch Covid-19.

 Với 10 đơn vị xét nghiệm trên địa bàn tỉnh cùng sự hỗ trợ của các lực lượng, công suất lấy mẫu xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 20.000-22.000 mẫu/ngày, đáp ứng được yêu cầu “quét dịch” như kế hoạch của tỉnh đã xác định. Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Giang đã lấy hơn 1,76 triệu mẫu. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng gần 889.000 mẫu

 (còn nữa)

TIẾN ĐẠT

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP