Để giải tỏa áp lực hành khách cho Ga Sài Gòn, hệ thống đường sắt nội đô có nhiều điểm giao cắt không an toàn, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Ga Bình Triệu ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức với diện tích 47,5ha và xây dựng đoạn đường sắt trên cao kết nối Ga Sài Gòn với Ga Bình Triệu với chiều dài 41km. Đây là chủ trương mang tính chiến lược, dài hạn cho quy hoạch đường sắt TP Hồ Chí Minh theo hướng hạ tầng đường sắt hiện đại, kết nối đồng bộ.
Căn cứ theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2002, TP Hồ Chí Minh đã xác lập quy hoạch phần diện tích Ga Sài Gòn và đến tháng 9-2013, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đầu mối giao thông Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, trong đó diện tích đất để xây dựng ga đường sắt là 47,35ha. Tuy nhiên, do khó khăn về nhiều mặt nên quy hoạch Ga Bình Triệu vẫn chưa được ngành chức năng triển khai, chưa ban hành quyết định thu hồi đất, chưa phân định ranh giới cụ thể cũng như chưa có kế hoạch thực hiện, đã dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc cho đời sống người dân, các đơn vị, tổ chức trong khu vực quy hoạch. Những người dân sống ở khu vực này đều không thể hợp thức được thủ tục giấy tờ nhà đất tự phát, chật hẹp, ô nhiễm nước thải… Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: Quy hoạch Ga Bình Triệu “treo” suốt 14 năm qua đã gây tác động đến cuộc sống và quyền lợi về nhiều mặt của 3.257 hộ gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu ở các khu phố: 2, 6, 7 thuộc phường Hiệp Bình Chánh. Đặc biệt là người dân sống trong cảnh chờ đợi giải tỏa, các thủ tục hợp thức về nhà đất, sửa chữa đều không thể thực hiện được. UBND quận Thủ Đức đã kiến nghị UBND thành phố có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải sớm có kế hoạch cụ thể, rõ ràng về thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng Ga Bình Triệu để người dân chuẩn bị di dời có chỗ ở ổn định.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, quy hoạch Ga Bình Triệu bao gồm tuyến Hòa Hưng-Trảng Bom do Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư dự án. Trong đó, đoạn từ Ga Hòa Hưng đến Ga Bình Triệu dài 8,8km dự kiến tốn 8.100 tỷ đồng tiền xây lắp và 15.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Đoạn từ Ga Bình Triệu đến Trảng Bom, dự kiến cần khoảng 10.000 tỷ đồng. Do vốn đầu tư lớn nên những năm qua, dự án chưa tìm được nguồn dẫn đến chậm trễ triển khai trên đất quy hoạch. Được biết, trong năm 2016, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ nỗ lực tìm nguồn vốn, xúc tiến các bước để thực hiện dự án đầu tư.
Nhằm kịp thời giải tỏa những vướng mắc đối với quy hoạch Ga Bình Triệu, lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra dự án, chỉ đạo UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải công bố công khai thông tin quy hoạch cho người dân và tiến hành cắm mốc dự án Ga Bình Triệu hoàn thành ngay trong quý III năm 2016. Đồng thời, yêu cầu UBND quận Thủ Đức cùng với ngành chức năng khảo sát lại hiện trạng của phần diện tích quy hoạch, có chính sách hỗ trợ người dân sinh sống trong diện tích dự án.
"Với sự vào cuộc của ngành chức năng, quy hoạch Ga Bình Triệu sẽ được xúc tiến mạnh mẽ trong thời gian tới. Sau khi hoàn tất cắm mốc quy hoạch, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ bàn giao diện tích quy hoạch Ga Bình Triệu cho UBND quận Thủ Đức quản lý và tiến hành giải tỏa trước một phần để tái định cư tại chỗ cho người dân diện giải tỏa"-Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
TRẦN AN