Muốn có một thế trận chiến tranh nhân dân hùng mạnh, phải tích cực, chủ động xây dựng ngay từ thời bình. Đại hội XII của Đảng xác định: “Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(1). Tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới cần được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Mỗi người cần ý thức rằng, "thế trận lòng dân" là tài sản vô giá của quốc gia, phải được xây dựng một cách bài bản, chu đáo, thường xuyên, liên tục, căn cứ vào hoàn cảnh, tình hình cụ thể của đất nước, khu vực và thế giới trong từng thời kỳ. Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, quân sự của đất nước, khu vực và thế giới có sự chuyển biến hết sức phức tạp và mau lẹ; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh những tác động tích cực, đang phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực; tình trạng tham nhũng, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra nghiêm trọng. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch ra sức tiến hành các hoạt động chống phá vừa công khai, vừa ngấm ngầm, hết sức thâm độc hòng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” tiến tới gây bạo loạn lật đổ. Các vấn đề đó cũng làm cho niềm tin của nhân dân đối với chế độ bị giảm sút, tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng "thế trận lòng dân" cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Đảng, Nhà nước ta đang tiến hành mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy bằng nhiều biện pháp kiên quyết và hiệu quả. Một luồng sinh khí mới đang phát triển mạnh mẽ trên đất nước ta, niềm tin của nhân dân đang từng bước được khôi phục và phát triển lên tầm cao mới.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, để xây dựng "thế trận lòng dân" trong điều kiện mới, trước hết, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nhằm thống nhất nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Đây là giải pháp hàng đầu, bởi lẽ, sự thống nhất về nhận thức sẽ tạo ra sự đồng thuận xã hội, nhờ đó, huy động tối đa sức lực, trí tuệ của toàn dân tộc đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn dù thâm độc, tàn bạo của các thế lực thù địch. Các nội dung cụ thể cần được triển khai là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền sâu rộng Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới mọi người dân. Tổ chức các đội công tác đi sâu, đi sát cơ sở tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và các dân tộc thiểu số nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới. Phải phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ của các thế lực thù địch, nhằm giữ vững lòng tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay từ cơ sở.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, phòng chống âm mưu "diễn biến hòa bình" và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Giải pháp này giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi, dưới sự tác động của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế, nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội phát sinh, như: Tệ tham nhũng, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống... làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với chế độ; tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc, kích động một số phần tử quá khích hòng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn lật đổ. Nhận thức rất rõ tình hình, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật; tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp. Trên cơ sở đó, từng bước đẩy lùi các tệ nạn, tiêu cực xã hội, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và giữ vững "thế trận lòng dân" trong điều kiện mới. Cần kết hợp chặt chẽ giữa cuộc đấu tranh chống tham nhũng với đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, chính quyền. Các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước cần triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xã hội và “diễn biến hòa bình”, chủ động, tích cực chống “tham nhũng vặt” nhằm khôi phục, nâng cao niềm tin của người dân. Phải công khai, minh bạch, giải quyết dứt điểm các vụ tham nhũng, tiêu cực và trừng trị thích đáng các hành động gây mất trật tự, an toàn xã hội của các phần tử quá khích, bọn phản động, tạo khí thế, niềm tin vững chắc cho nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp bộ đảng, chính quyền cần bám sát cơ sở giải quyết kịp thời mọi vấn đề thực tiễn đặt ra. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định, bởi vì, tình hình thực tiễn luôn biến động phức tạp, khó lường, nếu không bám sát cơ sở sẽ có những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh phát sinh không được xử lý kịp thời. Từ những vấn đề nhỏ lẻ tích tụ nhiều ngày sẽ bùng phát thành vấn đề lớn, ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải bám sát cơ sở, phát hiện kịp thời những vấn đề thực tiễn nảy sinh để giải quyết theo đúng thẩm quyền, tránh tình trạng để dân khiếu kiện kéo dài, nhất là vấn đề tham nhũng, tranh giành quyền lực, chiếm dụng đất đai, lợi ích nhóm... Có làm tốt điều này thì lòng dân mới yên, trật tự, an ninh mới được giữ vững trên từng địa phương và cả nước. Cần thực hiện triệt để dân chủ từ cơ sở, công khai, minh bạch mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Xử lý kịp thời, đúng luật mọi sai phạm một cách công khai, bình đẳng, tránh tình trạng phạt nặng người dân, còn cán bộ thì che giấu, ém nhẹm. Tiến hành tốt công tác thanh tra, kiểm tra ở mọi cấp, mọi ngành, không được để tình trạng thanh tra, kiểm tra mang tính hình thức.
Tóm lại, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trong điều kiện mới là hết sức cấp thiết, cần được các cấp, các ngành quan tâm sâu sắc. Các giải pháp được đề xuất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong một tổng thể thống nhất. Nếu được các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện đầy đủ, nhất quán, nhất định "thế trận lòng dân" sẽ không ngừng được tăng cường lên tầm cao mới, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
(1): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, HN 2016, tr 96.
PGS, TS HOÀNG MINH THẢO