Thế trận hậu cần KVPT được xây dựng trên cơ sở thế bố trí các lực lượng hậu cần quân khu, hậu cần KVPT tỉnh, thành phố, cùng các lực lượng kinh tế-xã hội (KT-XH), hình thành lực lượng hậu cần tổng hợp có khả năng độc lập, tự lực bảo đảm vững chắc tại chỗ cho tác chiến trên các hướng chiến dịch và KVPT. Tổ chức bố trí thế trận hậu cần phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện bảo đảm đánh địch được rộng khắp, tập trung vào hướng, KVPT chủ yếu, trọng tâm là các chiến dịch, các trận then chốt chiến dịch... do chủ lực quân khu (bộ) và lực lượng vũ trang (LLVT) KVPT địa phương tiến hành, đồng thời có lực lượng cơ động hậu cần mạnh sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống xảy ra.

Trong những năm qua, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII, các cấp, các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc với những giải pháp thiết thực, hiệu quả và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả lĩnh vực, nhất là công tác hậu cần KVPT; góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong xây dựng thế trận hậu cần KVPT, các cấp, các ngành, địa phương đã chỉ đạo cơ quan quân sự tập trung xây dựng thế trận hậu cần KVPT ngày càng liên hoàn, vững chắc, cùng với thế trận của các ngành KT-XH địa phương, hậu cần các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn, góp phần cung cấp đầy đủ, kịp thời hậu cần cho LLVT KVPT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời bình, kịp thời bảo đảm cho các tình huống thảm họa thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...

Xây dựng thế trận hậu cần KVPT vững chắc là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết, nhưng lại có tính chiến lược, lâu dài, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong quá trình tổ chức thực hiện. Yêu cầu đặt ra trong xây dựng thế trận hậu cần KVPT phải bảo đảm tính vững chắc, liên hoàn, linh hoạt sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống; bảo đảm khả năng độc lập, tự lực cho từng hướng, khu vực tác chiến của KVPT. Bố trí các cơ sở KT-XH và căn cứ hậu phương phải gắn với thế bố trí hậu cần của LLVT KVPT; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tạo thế và lực trong xây dựng và chuyển hóa thế trận hậu cần. Xây dựng thế trận hậu cần KVPT cần được triển khai với nhiều nội dung, nhưng trước hết phải quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân của Đảng, thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QPAN. Cùng với đó, các đoàn kinh tế-quốc phòng đứng chân trên những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo tích cực tham gia phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững mạnh, góp phần củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo cơ sở triển khai xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần trong chiến tranh. Các cơ sở sản xuất, xí nghiệp quốc phòng trong KVPT bảo đảm khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu vật chất quốc phòng cho LLVT KVPT trong thời bình, đồng thời xây dựng phương án sẵn sàng chuyển sản xuất từ thời bình sang thời chiến. Có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực, kỹ thuật, công nghệ; thực hiện hiệu quả trong kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QPAN.

Hậu cần KVPT phải không ngừng được tăng cường củng cố, bổ sung trang bị kỹ thuật; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên chuyên môn; phát triển, ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ mới, nâng cao khả năng cơ động và bảo đảm cho các lực lượng tác chiến; xây dựng và quản lý lực lượng dự bị động viên, xây dựng lực lượng tự vệ chuyên ngành hậu cần (y tế, giao thông vận tải...). Tăng cường các hoạt động phối hợp giữa hậu cần LLVT KVPT với các sở, ban, ngành địa phương, phục vụ cho yêu cầu kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với QPAN, nâng cao khả năng phối hợp hoạt động trong bảo đảm tác chiến và các tình huống chiến tranh.

Căn cứ vào khả năng thực tế và kết quả xây dựng lực lượng hậu cần các cấp, ngay từ thời bình, phải từng bước chuẩn bị điều kiện cho việc triển khai các cơ sở bảo đảm hậu cần, như: Mạng đường vận tải, hệ thống thông tin, tận dụng các hang động tự nhiên hoặc chuẩn bị hệ thống hang hầm cho bố trí kho tàng và các bệnh viện dã chiến... Mỗi quân khu có thể tổ chức một số căn cứ hậu cần, dự trữ đủ lượng vật chất bảo đảm cho từng hướng chiến dịch và sẵn sàng chuyển hóa thế trận khi chiến tranh xảy ra; xác định khu vực bố trí hậu cần phải chọn vị trí hợp lý, có khoảng cách phù hợp tới các bộ phận hậu cần của đơn vị chủ lực tham gia tác chiến và liên kết chặt chẽ với các căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần KVPT tỉnh, thành phố, có vị trí chính thức và các vị trí dự bị, bảo đảm bí mật, thuận tiện cho di chuyển linh hoạt, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và cơ sở vật chất hậu cần trước các đòn tiến công hỏa lực đường không bằng vũ khí công nghệ cao của đối phương.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp, chú trọng xây dựng hậu cần KVPT địa phương, xây dựng hậu cần nhân dân vững mạnh, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, công an cùng các sở, ban, ngành làm tham mưu. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu cần toàn dân, xây dựng lực lượng hậu cần tại chỗ bảo đảm vững chắc cho tác chiến rộng khắp của LLVT và nhân dân trong KVPT địa phương. Xây dựng thế trận hậu cần toàn dân cần khai thác tạo nguồn hậu cần tại chỗ để bảo đảm sẵn sàng huy động cho các nhiệm vụ trong thời bình cũng như chuyển hóa thế trận trong thời chiến. Nâng cao khả năng huy động tiềm lực kinh tế địa phương phục vụ nhiệm vụ QPAN thời bình và sẵn sàng động viên, huy động nền kinh tế địa phương bảo đảm cho thời chiến; xây dựng kiện toàn tổ chức hậu cần KVPT địa phương, duy trì nền nếp nâng cao hiệu quả hoạt động của hậu cần nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận và hậu cần cơ sở xã, phường, thị trấn do hậu cần quân sự địa phương làm nòng cốt. Tùy theo nhiệm vụ phòng thủ và địa hình của mỗi tỉnh, thành phố mà dự kiến tổ chức căn cứ hậu cần cơ bản, phân căn cứ hậu cần, căn cứ hậu cần bí mật khu vực, sẵn sàng bảo đảm cho các lực lượng trụ bám, đánh địch dài ngày.

Trong quá trình kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QPAN của địa phương, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện có, các trục dọc và trục ngang trong địa bàn tỉnh, thành phố nối liền với các quốc lộ, mở mới các tuyến đường quan trọng vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa phương, vừa tạo thuận lợi cho việc tận dụng mạng đường này để vận tải bảo đảm hậu cần khi có chiến tranh; củng cố, xây dựng mở rộng hệ thống cảng biển, cảng sông, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH thời bình, vừa đáp ứng yêu cầu vận tải cho các đảo và nội địa với số lượng hàng hóa lớn khi chiến tranh xảy ra, đồng thời bảo đảm khả năng sử dụng lâu dài của các bến vượt và các phương tiện vượt sông, chuẩn bị phương án vượt sông khi các tuyến giao thông bị chia cắt...

Đại tá VŨ VĂN KHANH