Tư tưởng chỉ đạo chiến lược về CTCB đã xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(1). Đó cũng là đòi hỏi khách quan mà Đảng ta cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB), nhất là ĐNCB cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế chứng minh, năng lực, phẩm chất và uy tín của cán bộ không tự nhiên có mà phải được đào tạo, rèn luyện và kiểm nghiệm qua thực tiễn hoạt động cách mạng. Cán bộ cấp càng cao càng đòi hỏi sự đào tạo, rèn luyện tỉ mỉ, công phu. Song những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng ĐNCB của Đảng còn nhiều bất cập, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều nơi, thể hiện ở chỗ, đào tạo không gắn liền với quy hoạch sử dụng, thậm chí còn sử dụng tùy tiện. Hậu quả, cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín thì bị trù dập, vô hiệu hóa, còn những kẻ cơ hội, tham nhũng thì được đề bạt làm lãnh đạo, thậm chí ở cấp rất cao. Vì thế, năng lực, phẩm chất và uy tín của một bộ phận không nhỏ cán bộ các cấp, kể cả cấp chiến lược không ngang tầm nhiệm vụ được giao.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Người thường xuyên chú trọng xây dựng ĐNCB các cấp cả về năng lực, phẩm chất và uy tín. Trong giai đoạn cách mạng mới, trước đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng xác định rõ: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong CTCB và quản lý cán bộ; xây dựng ĐNCB, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”(3). Đó là quyết tâm của Đảng, vấn đề còn lại là các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ, triển khai thực hiện sâu sắc và triệt để.
Để xây dựng ĐNCB đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trước hết Đảng ta cần phải xây dựng quy hoạch bài bản ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược. Đây là giải pháp hàng đầu, bởi vì, tình trạng quy hoạch cán bộ thiếu bài bản và không tuân theo quy hoạch đã kéo dài nhiều năm. Nếu không nghiêm túc sửa đổi và thực hiện một cách kiên quyết thì sự bất cập của ĐNCB khó được khắc phục. Đã đến lúc cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt giữa công tác quy hoạch với công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược. Cần khắc phục triệt để tình trạng quy hoạch một đằng sử dụng một nẻo như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra. Đối với cán bộ cao cấp ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự hay văn hóa, xã hội... nếu quy hoạch không bài bản thì không thể tìm được nhân tài trên các lĩnh vực đó cho đất nước. Vì vậy, cần xây dựng bài bản quy hoạch trung hạn, dài hạn ĐNCB cho các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Việc xây dựng quy hoạch cần được tiến hành đồng thời, bảo đảm tính kế thừa và phát triển cho từng đội ngũ, tránh tình trạng quy hoạch một cách chắp vá, hoặc không tuân thủ quy hoạch như từng xảy ra. Đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, quy hoạch ĐNCB các cấp cần kết hợp chặt chẽ kết quả đào tạo ở các nhà trường với bồi dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn huấn luyện, SSCĐ, phục vụ nhân dân ở các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT. Cần lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ từ cấp cơ sở để từng bước đưa vào quy hoạch cán bộ chủ chốt cho các cấp chính quyền, bộ, ngành và Trung ương. Đưa vào quy hoạch ĐNCB cấp chiến lược nên thông qua các cấp từ cơ sở đi lên. Làm như vậy mới đạt được mục tiêu bài bản hóa, chính quy hóa ĐNCB các cấp, đồng thời, tạo ra một ĐNCB cấp chiến lược có tầm tư duy bao quát và năng lực chỉ đạo thực tiễn sát sao. Các cấp ủy đảng cần thường xuyên rà soát công tác quy hoạch để kịp thời phát hiện, bổ sung vào quy hoạch, nhất là cấp chiến lược. Quy hoạch mới chỉ là bước khởi đầu, trong quá trình hoạt động thực tiễn, cán bộ các cấp mới thể hiện năng lực, phẩm chất và uy tín thực sự.
Sau quy hoạch là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ĐNCB các cấp, nếu không thực hiện tốt giải pháp này thì quy hoạch chỉ là ý tưởng nằm trên giấy tờ, sổ sách, khó trở thành hiện thực. Vì vậy, các cấp, các ngành từ cơ sở đến Trung ương phải thực hiện thật tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng ĐNCB các cấp có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Để làm tốt, các cấp ủy đảng phải thật sự dân chủ, công khai trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là ĐNCB cấp chiến lược. Chỉ có thực sự dân chủ, công khai thì mới tìm ra được người có tài, có đức, đáp ứng cho từng công việc, từng cấp và từng ngành, kể cả cấp chiến lược. Dân chủ giả tạo, như chỉ đưa ra lấy ý kiến tập thể mang tính hình thức, “đúng quy trình”, còn bồi dưỡng và sử dụng thì do người đứng đầu quyết định, chắc chắn sẽ không đúng người, đúng việc. Đây là mầm mống hình thành nên các tập thể lãnh đạo, chỉ đạo công việc vì lợi ích nhóm, hại dân, hại nước. Cần kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; đồng thời với sử dụng cần phải bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ cán bộ. Sử dụng ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược phải đúng người, đúng việc, mang lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý đất nước.
Trong mọi thời gian, hoàn cảnh, Đảng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với ĐNCB các cấp, nhằm sớm loại bỏ những con “sâu mọt” nằm trong bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo bất kỳ ở cấp nào, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Đây là giải pháp có tầm quan trọng quyết định, bởi lẽ, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là môi trường tốt cho các loại cán bộ “sâu mọt” phát sinh, phát triển trong ĐNCB có chức, có quyền các cấp. Thời gian qua, Đảng ta đã chủ động triển khai công tác kiểm tra, có kết luận cụ thể với nhiều vụ việc, nhiều cán bộ vi phạm và có dấu hiệu vi phạm kỷ luật của Đảng và vi phạm pháp luật. Để có ĐNCB có trình độ, năng lực, đạo đức tốt, thực sự là công bộc của dân, các cấp bộ đảng cần thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, kiểm tra, giám sát; thông qua kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời các sai phạm của từng cá nhân và tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong kiểm tra, giám sát, phải thực sự nghiêm túc, nếu chỉ làm lấy lệ thì các sai phạm của ĐNCB các cấp không những không được khắc phục mà còn có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công khai minh bạch tài sản của ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược, nhằm ngăn chặn kịp thời những “quan tham”. Đây là biện pháp đã được thực hiện khá thường xuyên và quyết liệt, tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẽ hở, việc kê khai thường không thực chất. Vì thế, nhiều quan chức trong bộ máy lãnh đạo, chính quyền các cấp tham nhũng, đục khoét lớn tài sản của Đảng, Nhà nước, nhân dân mà không được kịp thời ngăn chặn. Các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ vấn đề này và đề ra các giải pháp thực hiện một cách kiên quyết để làm trong sạch đội ngũ và nâng cao uy tín cho Đảng, Nhà nước ta.
(1) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG 2016, tr.217
(2) - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, tr. 240
(3) - Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII
PGS, TS HOÀNG MINH THẢO