Toàn Đảng đã và đang quyết liệt tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo các nghị quyết về xây dựng Đảng, như: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên... Nhờ đó, nhiều mặt công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các nghị quyết, quy định của Trung ương Đảng đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng. Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, quan liêu, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo tích cực từ nhiều năm qua; thời gian gần đây được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, theo đúng tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp lần lượt được xử lý với tinh thần kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, kể cả đối với cán bộ cấp cao, cán bộ đã nghỉ hưu... Kết quả từ thực tiễn thực sự là những đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, Đảng ta ban hành các nghị quyết, quy định về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...; qua đó tiếp tục tạo nền móng căn bản và động lực mạnh mẽ để phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Mặc dù còn có những khó khăn, trở ngại, nhất là việc động chạm những lợi ích, thói quen bấy lâu nay nhưng cấp ủy đảng các cấp, các ngành đã và đang lãnh đạo quyết liệt để từng bước tạo chuyển biến thực sự trong đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Bộ Công an đã đổi mới mạnh mẽ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị địa phương, như: Tỉnh Long An sau khi sắp xếp đã giảm 95 đầu mối tổ chức trực thuộc các sở, ngành, huyện; giảm 84 cán bộ lãnh đạo, quản lý (49 cấp trưởng và 35 cấp phó); giảm 192 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh; giảm 175 cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị này (128 cấp trưởng và 47 cấp phó). Tỉnh Kiên Giang đã giảm 19 phòng chuyên môn thuộc 8 sở và tương đương; giải thể 11 phòng chuyên ngành và 13 phòng y tế thuộc UBND cấp huyện; cắt giảm 48 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh. Tỉnh Bắc Ninh giảm 29 cơ quan, đơn vị, 38 cán bộ lãnh đạo và 197 biên chế; sáp nhập 7 bệnh viện đa khoa, 8 trung tâm y tế và 8 trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình thành 8 trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng… Một số địa phương đã rà soát, xây dựng đề án nghiên cứu chuyển một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện sang cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Về đổi mới công tác cán bộ, Trung ương đã ban hành nghị quyết “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và các quy định để từng bước đổi mới công tác cán bộ. Nhiều chủ trương, quan điểm về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Bước đầu xây dựng được quy định về tiêu chí đánh giá cán bộ để từng bước lượng hóa việc đánh giá cán bộ, khắc phục tình trạng chủ quan, chung chung, cảm tính trong đánh giá cán bộ. Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được dư luận đồng tình, mang lại hiệu quả tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ về cơ bản đã thực hiện theo quy hoạch, có đổi mới. Nhiều trường hợp sai phạm trong công tác cán bộ, như: Quy hoạch, bổ nhiệm “thần tốc”; bổ nhiệm người nhà không đúng quy định, tiêu chuẩn; “cả họ làm quan”; chạy chức, chạy quyền… đã bị phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm…

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường, có hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với đổi mới trong việc ra nghị quyết, các cấp coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng…

Với những cách làm mới, quyết liệt và kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được lan tỏa sâu rộng.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân... Các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, vào cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; kích động, chia rẽ nội bộ… hết sức thâm độc và nguy hiểm.

Để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh (TSVM), làm tròn trách nhiệm là đội tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là tiếp tục thực hiện tốt 10 nhiệm vụ lớn, 2 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra và các nghị quyết đã ban hành, xây dựng Đảng thực sự TSVM cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, trước hết là cấp ủy đảng các cấp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi không ít nơi nhận thức chưa thật sâu sắc, chưa hiểu thấu yêu cầu, nhiệm vụ, tính chất của xây dựng Đảng; còn tình trạng nể nang, né tránh, bệnh thành tích, sợ khuyết điểm, không dám, không quyết tâm làm, hoặc có làm thì còn qua loa, đối phó. Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, các quy định đã có, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, "xây" đi đôi với "chống", bồi dưỡng cái tốt, nhắc nhở và có hình thức phê bình, kỷ luật đối với những nơi làm chưa tốt.

Tiếp tục thực hiện tốt và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, mở rộng và phát huy dân chủ trong mọi hoạt động của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng; có thiết chế cụ thể bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi thành viên cấp ủy, nhất là của người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ nói riêng, trong các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng nói chung. Tăng cường tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, những tổ chức đảng, đảng viên có cách làm sáng tạo, tự điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm có hiệu quả trong quá trình thực hiện nghị quyết; phê phán cái xấu, đấu tranh phản bác với các luận điệu sai trái.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Đây là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài; ngăn chặn, đấu tranh, xử lý triệt để, công khai, đúng pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, bè phái, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy dự án... Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự trong đổi mới tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, cán bộ đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để chuẩn bị tốt nhân sự cho nhiệm kỳ tới.  

Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra kết hợp với đẩy mạnh công tác thanh tra, điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm. Công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng thời gian qua đã tạo được bước đột phá trong cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng, góp phần tạo niềm tin, sức lan tỏa tích cực trong xã hội, tiếp thêm lửa nhiệt huyết cách mạng trong cán bộ, đảng viên và đáp ứng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân về xây dựng Đảng ta thật sự TSVM. Thời gian tới cần tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng phức tạp, các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực, nhất là vi phạm trong công tác cán bộ gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để chậm trễ trong công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

PGS, TS NGUYỄN VĂN GIANG, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh