Việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ lần thứ hai này đưa đối ngoại đa phương Việt Nam lên tầm cao mới, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác đối ngoại đa phương là “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ” và Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
 |
Đại hội đồng LHQ chúc mừng các nước trúng cử. Ảnh: TTXVN. |
Đối với tổ chức lớn nhất hành tinh như LHQ, có thể nói rằng, chúng ta đã làm nên những kỳ tích sau không dưới một lần đơn xin gia nhập LHQ của Việt Nam bị từ chối. 31 năm sau khi lá đơn xin gia nhập LHQ của Chủ tịch Hồ Chí Minh bị từ chối năm 1946, khát vọng đó mới dần trở thành hiện thực. Đúng 9 giờ sáng ngày 20-9-1977, tại tòa sảnh chính của trụ sở LHQ, lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của LHQ, Việt Nam chính thức vượt qua được các rào cản để trở thành thành viên thứ 149 của LHQ.
42 năm qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm của LHQ. Công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy” giúp Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, chống đối quyết liệt trên diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã có một vị thế mà nhiều nước mơ ước: Quan hệ tốt với cả 5 nước ủy viên thường trực HĐBA, nòng cốt trong các tổ chức khu vực ASEAN, APEC, ASEM, Francophonie, gắn bó với châu Phi, Mỹ Latin. Việt Nam cũng trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996. Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế… Môi trường quan hệ quốc tế lý tưởng đó là điều kiện thuận lợi để Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời cùng với các nước đóng góp cho sự nghiệp hòa bình và phát triển trên thế giới.
Trước tình hình thế giới ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ mới với những biến động, phức tạp khó lường, tại Đại hội XII, Đảng ta đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển công tác đối ngoại đa phương, đồng thời đặt ra yêu cầu mới: Công tác đối ngoại đa phương không chỉ phải chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia,” nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới, mà còn phải phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Định hướng này cũng chỉ rõ các cơ chế đa phương được ưu tiên trong 5 năm tới là ASEAN và LHQ.
Nắm rõ tinh thần của Nghị quyết Đại hội XII, trong những năm qua, công tác đối ngoại đã đóng góp trực tiếp vào việc đưa các mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, đồng thời chủ động và tích cực tham gia tạo dựng luật chơi trong các tổ chức đa phương. Cụ thể, Việt Nam đã từng bước chuyển từ việc tham dự các hội nghị đến việc tham gia một cách tích cực, chủ động vào các cơ chế của LHQ. Việt Nam cũng chuyển từ nước nhận trợ giúp sang là đối tác hợp tác với LHQ và tham gia đóng góp xây dựng LHQ. Nổi bật là việc Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ ở Nam Sudan năm 2014. Cho đến nay, Việt Nam đã cử 30 lượt cán bộ tham gia hoạt động GGHB LHQ tại hai phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Các sĩ quan Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ LHQ giao. Trong hơn 20 lượt sĩ quan đã kết thúc nhiệm kỳ công tác, có 4 sĩ quan hoàn thành ở mức đặc biệt xuất sắc, được lãnh đạo phái bộ và LHQ đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là tính thích ứng nhanh. Với kết quả đó, LHQ đã mời Việt Nam cử nhân sự đảm nhiệm các vị trí cao hơn, như: Phó tư lệnh lực lượng quân sự Phái bộ Nam Sudan, Tư lệnh Phân khu Phái bộ Nam Sudan. “Việt Nam tham gia hoạt động này thể hiện trách nhiệm của mình là một quốc gia thành viên của LHQ, thể hiện thiện chí của một dân tộc mong muốn hòa bình, đóng góp vào hòa bình thế giới, đáp ứng mong mỏi của các quốc gia trên thế giới”, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra đã khẳng định như vậy tại Hội nghị sơ kết 5 năm (2014-2019) Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ mới đây.
Đối với ASEAN, trong gần 24 năm tham gia tổ chức khu vực này (từ ngày 28-7-1995), với phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam đã khẳng định được uy tín và vai trò của mình trong ASEAN thông qua việc tham gia hợp tác ASEAN sâu rộng và toàn diện, hai lần đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến đóng góp tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, xây dựng những văn kiện quan trọng xác định phương hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN trên cơ sở tôn trọng và giữ vững các nguyên tắc cơ bản của hiệp hội.
Thành công trong công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian gần đây còn thể hiện qua việc Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, như: Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN; Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26, hay Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6. Vai trò trung gian của Việt Nam còn được thể hiện khi đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai vào tháng 2 vừa qua tại Hà Nội.
Cùng với việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 cho thấy sự chủ động và tích cực đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, uy tín và vị thế mới của Việt Nam ngày càng cao. Một bước chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” thành “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương” đã và đang được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
LINH OANH