Nhận thức rất rõ vấn đề này, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”(1). Đại hội XII của Đảng còn xác định, phát triển KT-XH, BVMT kết hợp với QPAN là những vấn đề nằm trong tổng thể 6 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ và triển khai hệ thống giải pháp khả thi nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.

Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, nhiều địa phương trên cả nước quá chú trọng đẩy mạnh phát triển KT-XH nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến môi trường xã hội, môi trường sinh thái và QPAN, do đó phát sinh một số vấn đề phức tạp, khó lường. Đánh giá về vấn đề này, Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Ý thức BVMT của một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa cao. Nhiều hệ sinh thái tự nhiên, nhất là hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, thảm thực vật biển giảm cả về diện tích và chất lượng”.(2)

Cần nhận thức sâu sắc rằng, thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen nhau trong một tổng thể các hoạt động kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa-xã hội đa dạng, phong phú và hết sức khó khăn, phức tạp, trong một thế giới đầy biến động. Không nên quá nhấn mạnh vấn đề thuận lợi hay thách thức đặt ra, mà cần nhìn nhận một cách khách quan, khoa học các vấn đề đặt ra để từng bước xử lý chính xác, kịp thời. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển KT-XH, BVMT cần phải kết hợp chặt chẽ với củng cố QPAN trong tình hình mới với những giải pháp tổng thể, cụ thể và đồng bộ.

Trước hết là, cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng rãi tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng về đẩy mạnh phát triển KT-XH, BVMT kết hợp chặt chẽ với củng cố QPAN cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi vì Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX và khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các nghị quyết của Đảng chỉ đi vào cuộc sống khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc. Hơn nữa, nội dung của các nghị quyết rất rộng lớn, sâu sắc và toàn diện, do đó, công tác quán triệt, tuyên truyền phải hết sức nhạy bén và linh hoạt. Các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu quán triệt, tuyên truyền một cách bài bản, khoa học về các văn kiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chú trọng vấn đề đẩy mạnh phát triển KT-XH, kết hợp chặt chẽ với BVMT và củng cố QPAN trong tình hình mới. Căn cứ vào trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp và khả năng nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số để xây dựng kế hoạch và biên soạn tài liệu phù hợp cho từng đối tượng. Tổ chức tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có đủ kiến thức và kinh nghiệm nhằm quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng rãi đến mọi cán bộ, đảng viên, nhất là nhân dân các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đổi mới, sử dụng nhiều hình thức và phương pháp quán triệt tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nắm được, hiểu rõ những nội dung cần thực hiện.

Cần phải tăng cường các biện pháp phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH, BVMT, kết hợp chặt chẽ với củng cố QPAN trong tình hình mới. Các cơ quan chức năng của Chính phủ cần tăng cường các biện pháp nắm chắc tình hình thực tiễn đẩy mạnh phát triển KT-XH, chú trọng BVMT và củng cố QPAN, phát hiện kịp thời những phát sinh mới phức tạp nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, biện pháp xử lý kịp thời. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển KT-XH kết hợp với củng cố QPAN đã được phê duyệt, chú trọng các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Tích cực, chủ động huy động các nguồn lực của đất nước và quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển KT-XH, BVMT kết hợp chặt chẽ với củng cố QPAN, nhất là ở các địa bàn chiến lược. Quá trình triển khai cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh phát triển KT-XH, kết hợp chặt chẽ với BVMT và củng cố QPAN. Thực tiễn cho thấy, lúc nào và ở đâu không thực hiện tốt vấn đề kiểm tra, giám sát đều để lại hậu quả không tốt, thậm chí là hậu quả hết sức nghiêm trọng. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thường xuyên tổng kết thực tiễn, thông qua kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm những khó khăn, vướng mắc trong phát triển KT-XH, kết hợp chặt chẽ BVMT và củng cố QPAN. Trên cơ sở đó, kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, biện pháp nhằm khắc phục những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện phát triển KT-XH và củng cố QPAN.     

Những vấn đề được phân tích trên đây có mối quan hệ nhân quả, là tiền đề, điều kiện của nhau trong một tổng thể thống nhất. Nếu được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình đẩy mạnh phát triển KT-XH, gắn với BVMT, củng cố QPAN trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

 

(1), (2): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQG, Hà Nội, 2016, tr149 và 258.

PGS, TS HOÀNG MINH THẢO