Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi tiên phong trong thực hiện tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU) Vĩnh Phúc ban hành và triển khai Kế hoạch số 124-KH/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC; đồng thời thành lập ban chỉ đạo xây dựng Đề án số 01-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021, do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Ban chỉ đạo đã nghiên cứu các quy định của Trung ương, khảo sát tình hình thực tiễn; trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương; tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cấp, các ngành về dự thảo Đề án số 01-ĐA/TU, bảo đảm đề án khi được ban hành có tính khả thi cao, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Căn cứ Đề án số 01-ĐA/TU (ngày 30-11-2016), HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND về việc hỗ trợ công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Nhờ quyết tâm chính trị cao, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, nhất là của người đứng đầu trong chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, nên khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, thì tỉnh Vĩnh Phúc đã “có đà” và tiền đề thuận lợi để thực hiện.
Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Ban TVTU và một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở ở Vĩnh Phúc đã có chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động về sự cần thiết phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC; đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Kết quả đáng ghi nhận là đến hết quý III-2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm được 169 đầu mối so với năm 2015; trong đó khối đảng, đoàn thể giảm 43 đầu mối (gồm 31 phòng, ban và tương đương trực thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện và 12 đơn vị sự nghiệp công lập); khối chính quyền giảm 126 đầu mối (gồm 47 phòng, ban và tương đương trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 79 đơn vị sự nghiệp công lập). Toàn tỉnh cũng đã tinh giản hơn 1.530 biên chế (trong đó 260 người tinh giản theo Nghị định số 108/NĐ-CP của Chính phủ). Đặc biệt, số người hoạt động không chuyên trách trong toàn tỉnh giảm gần 11.000 người so với năm 2015. Tỉnh đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng kinh phí ngân sách để tái đầu tư và nâng cao đời sống CB, CC, VC, nhất là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Đạt được kết quả trên, theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quán triệt tinh thần thận trọng, dân chủ, công khai; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện và đối thoại tháo gỡ khó khăn. Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về tinh giản tổ chức bộ máy (đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền cơ sở); về tinh giản biên chế (thực hiện kiêm nhiệm nhiều chức danh; một người đảm nhiệm nhiều việc); về cơ chế tài chính (quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; về hỗ trợ công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng; thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp...)
Cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương ở Vĩnh Phúc đều khẳng định, hiệu quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không chỉ thể hiện qua những con số, mà qua đó, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, tinh gọn bảo đảm khoa học, hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, nhất là giảm được nhiều đầu mối trung gian, đầu mối trực thuộc, đồng thời bước đầu khắc phục sự chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ... Số lượng biên chế, nhất là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố giảm nhiều, làm cho bộ máy gọn nhẹ hơn, thu nhập của người lao động tăng, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiệu quả “kép” của việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế ở địa phương, được đồng chí Nguyễn Văn Quý, Bí thư Huyện ủy Tam Dương, khái quát ngắn gọn, là “5 giảm, 5 tăng”: Giảm đầu mối; giảm chồng chéo bộ máy; giảm số người làm việc trong các cơ quan Nhà nước và cán bộ bán chuyên trách; giảm lao động dư thừa; giảm chi ngân sách; tăng tính chủ động; tăng chức năng, nhiệm vụ (của cá nhân, tổ chức); tăng hiệu quả công việc; tăng chất lượng cán bộ; tăng thu nhập. Đồng chí Nguyễn Văn Quý cho rằng, thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế còn tạo thuận lợi để luân chuyển, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ; nhất là cán bộ trẻ, có phẩm chất, năng lực được rèn luyện, thử thách, trưởng thành từ cơ sở.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ở Vĩnh Phúc cũng còn những khó khăn, bất cập cần sớm tháo gỡ. Đó là việc sắp xếp tổ chức biên chế một số cơ quan theo Nghị quyết số 18-NQ/TW còn chậm, phụ thuộc vào việc Trung ương sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị có liên quan. Việc khoán kinh phí và thực hiện cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập cũng còn thiếu hướng dẫn kịp thời của các cơ quan chức năng Trung ương. Đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/NĐ-CP của Chính phủ còn bó hẹp, thủ tục rườm rà, nên chưa khuyến khích cán bộ, công chức tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế. Việc đánh giá, phân loại CB, CC, VC ở một số cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh còn hình thức, chưa nghiêm túc; các quy định về đánh giá còn chung chung, nên khó đánh giá thực chất chất lượng hoàn thành nhiệm vụ để xác định đối tượng cần tinh giản.
Mục tiêu tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra là đến năm 2020 sẽ cắt giảm gần 60% số người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố và tinh giản biên chế tối thiểu 10% theo quy định của Trung ương, nhưng vẫn bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và quyền lợi của người lao động. Từ kinh nghiệm thực tế địa phương, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, phải có quyết tâm chính trị cao, nhận thức đúng ý nghĩa việc tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế; về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ. Cùng với đó, tỉnh chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù riêng để hỗ trợ CB, CC, VC, người lao động, nhất là cơ chế về kinh phí, góp phần động viên CB, CC, VC, người lao động bị tác động của việc tinh giản. Đặc biệt, chú trọng thực hiện đồng bộ, gắn kết các khâu trong công tác cán bộ, từ nhận xét, đánh giá, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp đến thực hiện chính sách cán bộ. Kiên quyết điều động, thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương...
Nhóm phóng viên CTĐ, CTCT