Đồng thời giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh gắn với bố trí thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận KVPT.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư xây dựng trong KVPT nhiều hạng mục, công trình quan trọng với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành đề án xây dựng, nâng cấp các chốt chiến đấu dân quân thường trực, bộ đội biên phòng trên tuyến biên giới; phối hợp giải phóng mặt bằng làm đường tuần tra biên giới trên địa bàn; bổ sung, điều chỉnh đề án phòng thủ dân sự giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động số 23-Ctr/TU ngày 21-5-2009 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, khóa X về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong thời kỳ mới”; gắn với khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh; từng bước xây dựng thế trận KVPT liên hoàn, rộng khắp. Tỉnh cũng đã quy hoạch xây dựng công trình quốc phòng trong các cụm tuyến dân cư; xây dựng hoàn chỉnh các đài, vọng quan sát phòng không; xây dựng, nâng cấp 35 trụ sở làm việc của ban CHQS cấp xã với kinh phí gần 44 tỷ đồng.
Công tác trồng và bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện, tăng đủ độ phủ xanh khu vực đồi núi, củng cố phát triển các khu rừng sản xuất hiện có, tạo thế liên hoàn từ biên giới, vùng núi đến đồng bằng, phục vụ phát triển KT-XH gắn với quy hoạch xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của tỉnh, huyện và sở chỉ huy các cấp. Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế; hoàn thành nâng cấp đưa vào sử dụng Quốc lộ N1 (Châu Đốc-Tri Tôn) và các tuyến tỉnh lộ; đưa vào sử dụng cầu hữu nghị Long Bình-Chậy Thum, nối thị trấn An Phú, huyện An Phú với xã Sầm Pâu Puôl, huyện Koh Thum, tỉnh Kandal (Campuchia).
Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân. Công tác quân dân y kết hợp cũng được thực hiện đồng bộ, đang đầu tư nâng cấp bệnh xá quân dân y thành bệnh viện quân dân y kết hợp.
Về xây dựng lực lượng, đến nay, các lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng được quan tâm xây dựng đúng tổ chức, biên chế theo quy định. Công tác huấn luyện đi vào nền nếp, chất lượng huấn luyện từng bước được nâng lên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tổ chức diễn tập KVPT cấp tỉnh và chỉ đạo diễn tập KVPT cho 6 huyện, thị xã, thành phố, diễn tập chiến đấu phòng thủ, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho 76 xã, phường, thị trấn. Nội dung diễn tập thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, các nghị định của Chính phủ. Qua huấn luyện, diễn tập đã nâng cao khả năng SSCĐ, công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng trong xử trí tình huống.
An Giang là tỉnh biên giới, nhiều tôn giáo, dân tộc, nhiều yếu tố lịch sử, xã hội để lại nên một bộ phận người dân dễ bị các thế lực thù địch tác động làm nảy sinh tư tưởng lệch lạc, mất cảnh giác. Vì vậy, Bộ CHQS tỉnh đặc biệt coi trọng nhiệm vụ làm tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền các cấp về giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về QPAN. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tổ chức 250 lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng với 17.450 lượt người (trong đó bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo được 19 lớp với 1.057 vị tham gia); giáo dục kiến thức QPAN cho học sinh, sinh viên đạt 100%; phổ biến kiến thức QPAN trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt được 2.350 cuộc, có hơn 163.000 lượt người dự nghe.
Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị gắn huấn luyện với công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới, tham gia xóa đói, giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả đề án phòng thủ dân sự; trước mắt là trong phòng, chống thiên tai, thảm họa… bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, góp phần vận động nhân dân chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2015 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo LLVT địa phương phối hợp với chính quyền và ban, ngành, đoàn thể tổ chức Tết quân-dân cấp tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong quá trình xây dựng và hoạt động KVPT, An Giang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, mà trước hết là cần đánh giá đúng tình hình thực tế và khả năng của địa phương, từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng nội dung xây dựng KVPT để triển khai thực hiện phù hợp.
Phải tạo được sự thống nhất cao về nhận thức là yếu tố quan trọng để phát huy trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển.
Vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện của thường trực ban chỉ đạo và các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp chặt chẽ, thống nhất cao trong triển khai thực hiện các dự án phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QPAN, xây dựng KVPT.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong LLVT, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, hoạt động KVPT; từ đó xây dựng trách nhiệm, niềm tin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Với những giải pháp tích cực, đồng bộ, trong thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững. Quá trình phát triển kinh tế luôn chú trọng gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QPAN, đặc biệt là an ninh biên giới; duy trì quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá BÙI HỒNG LỰC, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang