Kể từ sau vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe của Đại sứ Pa-ki-xtan tại thủ đô Cô-lôm-bô và cuộc giao tranh đẫm máu giữa binh lính chính phủ Xri Lan-ca và lực lượng li khai Những con hổ giải phóng Ta-min (LTTE) ở phía Bắc bán đảo Giáp-na hồi giữa tháng 8, tình trạng bạo lực tại Xri Lan-ca đang leo lên những nấc thang mới khốc liệt và đẫm máu hơn, đẩy những nỗ lực hòa giải ở nước này vào thế bế tắc.

Vụ đánh bom liều chết của LTTE nhằm vào lính hải quân Xri Lan-ca ở làng Di-gam-pát-tha-na, phía đông bắc nước này hôm 16-10 vừa qua làm 102 người thiệt mạng và vụ đánh bom liều chết khác nhằm vào quân cảng Ga-lê ở miền Nam Xri Lan-ca ngày 18-10 làm ít nhất 2 người chết, hơn 10 người khác bị thương, cùng với các cuộc tấn công trả đũa của binh lính chính phủ cho thấy cuộc xung đột đã lên tới đỉnh điểm. Tình hình căng thẳng hiện nay khiến các nhà phân tích có những nhận định bi quan khi cho rằng, không thể có khả năng LTTE hay chính phủ Xri Lan-ca tự nguyện nhường bước, mà bắt buộc phải cần tới vai trò trung gian tích cực hơn nữa của các chuyên gia đàm phán quốc tế.

Có thể thấy những diễn biến bạo lực tại Xri Lan-ca luôn đi theo một đường đồ thị phức tạp. Bùng phát từ năm 1983, với yêu sách đòi độc lập cho người thiểu số Ta-min, cuộc xung đột giữa LTTE và binh lính chính phủ Xri Lan-ca đã làm hơn 60.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác rơi vào hoàn cảnh khốn cùng. Mâu thuẫn tưởng chừng đã được hóa giải khi Na Uy đứng ra bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn năm 2002. Tuy nhiên sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, xung đột vẫn tiếp diễn với cường độ mạnh hơn, khốc liệt hơn khiến cho dư luận hoài nghi về “quyết tâm khôi phục hòa bình” từ cả hai phía, đặc biệt là LTTE. Năm 2005, tiến trình khôi phục hòa bình tại nước này tưởng như được tái lập khi LTTE đã có dấu hiệu xuống thang trước chính phủ Xri Lan-ca khi chấp nhận từ bỏ yêu sách độc lập và đồng ý thành lập một khu vực tự trị dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế và chính phủ. Thế nhưng, hàng loạt vụ tấn công liều chết sau đó của LTTE nhằm vào binh lính chính phủ và những cuộc trả đũa mạnh tay của nhà chức trách lại một lần nữa khiến cho mầm hòa bình bị bẻ gãy.

Bạo lực dâng cao đã phủ bóng đen lên vòng đàm phán hòa bình, dự kiến diễn ra vào hai ngày 28 và 29-10 tới tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Na Uy, nhà bảo trợ chính cho thỏa thuận ngừng bắn năm 2002 tại Xri Lan-ca, đã cấp tốc cử phái viên Giôn Han-xen Bao-ơ, nhà trung gian hòa giải giữa LTTE và chính phủ Xri Lan-ca, tới thủ đô Cô-lôm-bô ngày 17-10 để gấp rút thảo luận với các nhà lãnh đạo Xri Lan-ca về những chi tiết cuối cùng cho cuộc đàm phán sắp tới. Trong khi đó, phái viên hàng đầu của Nhật Bản Y-a-xu-si A-ca-si cũng đã đến Xri Lan-ca và có các cuộc hội đàm với Tổng thống Ma-hin-đa Ra-gia-pắc-xê và các thủ lĩnh LTTE về tiến trình hòa bình ở quốc gia này. Tuy nhiên, trước khi lên đường tới Xri Lan-ca thực hiện sứ mệnh hòa giải, các phái viên đã được Hội đồng Bảo an LHQ cảnh báo về những “thách thức nghiêm trọng” tại khu vực này.

Ngoài trọng trách bảo đảm cho cuộc hòa đàm tại Giơ-ne-vơ sắp tới không bị đổ vỡ, phái viên Na Uy và Nhật Bản còn phải nỗ lực thương lượng với LTTE về yêu sách đòi độc lập của họ. Cả hai nhiệm vụ này xem ra đã trở thành thách thức lớn của các nhà trung gian hòa giải khi sự nghi ngờ về nỗ lực đàm phán hòa bình đang ngày càng lan tỏa ở cả hai phía. Trong khi đó, một số quan chức có liên quan đến các cuộc hòa đàm giữa LTTE và chính phủ cho rằng, “hiện nay không phải là thời điểm để tiến hành đàm phán. Bạo lực đang ngày càng mất kiểm soát và một cuộc chiến toàn diện đã gần kề”. Tờ báo Navaya của Xri Lan-ca cũng bày tỏ nghi ngờ rằng các bên đang che giấu những chiến lược quân sự đằng sau các cuộc đàm phán.

Cuộc xung đột không ngừng kéo dài hơn hai thập kỷ giữa LTTE và quân đội chính phủ đã biến Xri Lan-ca trở thành vùng đất bị giằng xé bởi những mâu thuẫn về lợi ích. Vòng luẩn quẩn dùng bạo lực đáp trả bạo lực vốn không mấy xa lạ và thường là yếu tố mang lại những cuộc xung đột mới đẫm máu và khốc liệt hơn. Trước mắt, để bảo đảm cho cuộc hòa đàm đầy khó khăn tại Giơ-ne-vơ sắp tới diễn ra theo đúng lịch trình, không chỉ các nhà trung gian hòa giải quốc tế, mà ngay cả hai bên xung đột cần phải nhanh chóng hóa giải những nghi ngờ, nhằm đưa nỗ lực đàm phán mở đường cho tiến trình hòa bình lâu dài sau này.

LINH AN