Với mục tiêu vực dậy nền kinh tế và thúc đẩy du lịch, lãnh đạo 27 nước thành viên EU mới đây đã nhất trí thông qua Chứng chỉ xanh kỹ thuật số. Đây được xem là công cụ quan trọng giúp nối lại các chuyến du lịch trên khắp EU một cách an toàn và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân trong khối.

Quyết định này được giới lãnh đạo EU đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại khu vực này đã giảm đáng kể nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc. Trước diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19, các nước châu Âu đang dần có những giải pháp để từ đó mở ra hy vọng hồi sinh ngành du lịch.

leftcenterrightdel
Chứng chỉ xanh kỹ thuật số của EU tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân trong khối. Ảnh: euractiv.com

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, cũng như nhiều ngành nghề khác, du lịch phải hứng chịu tổn thất nặng nề. Năm 2020, các nước nằm trong danh sách điểm đến hút khách du lịch tại châu Âu như: Pháp, Tây Ban Nha, Italy... đã phải trải qua một mùa hè ảm đạm. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), hoạt động du lịch ở các nước thuộc EU đã giảm 52% trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi đó, là ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều nước thành viên EU, du lịch đóng góp tới 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU và cung cấp 27 triệu việc làm. Tình trạng “ngủ đông” của ngành du lịch trong đại dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế EU. Do đó, giải cứu ngành du lịch đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các nước thành viên EU.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, Chứng chỉ xanh kỹ thuật số của EU được xem là “chìa khóa” để vực dậy ngành du lịch ở “lục địa già”. Theo Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, chứng chỉ này có ý nghĩa quan trọng đối với những nước thành viên EU có nền kinh tế và việc làm phụ thuộc nhiều vào du lịch như Áo. Về phần mình, bà Stella Kyriakides, Ủy viên phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm châu Âu, cho rằng, với một cách tiếp cận chung, người dân châu Âu có thể đi lại tự do một cách an toàn trong nội khối dựa trên các biện pháp minh bạch. Là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh, Chứng chỉ xanh kỹ thuật số bao gồm 3 nội dung: Chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã nhiễm Covid-19, cho thấy người sở hữu chứng chỉ không gây lây lan dịch bệnh. Dựa vào mã QR này, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra được dữ liệu dịch tễ liên quan đến Covid-19 của khách du lịch, như: Họ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không hoặc đã có kháng thể do từng mắc căn bệnh này. Người nhập cảnh có chứng chỉ này sẽ không phải trải qua thời gian cách ly khi tới một quốc gia thành viên EU khác. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh ở nơi xuất phát có chiều hướng xấu thì họ vẫn sẽ phải tuân thủ quy định cách ly thông thường.

Việc nhất trí thông qua Chứng chỉ xanh kỹ thuật số cho thấy quyết tâm của giới lãnh đạo châu Âu nhằm đưa ngành du lịch vượt khó trong “cơn bão” Covid-19. Đánh giá về chứng chỉ này, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) Gloria Guevara gọi đây là bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành du lịch trong khu vực, giúp các nước thành viên EU kịp thời đón luồng khách du lịch trong mùa hè năm nay. Dù chứa các dữ liệu cần thiết để giám sát việc đi lại an toàn, song Chứng chỉ xanh kỹ thuật số vẫn tuân thủ Luật Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU. Theo đó, chỉ có thông tin xác thực liên quan Covid-19 được hiển thị và dữ liệu người dùng không được trao đổi giữa các nước. Các quốc gia là điểm đến hoặc điểm quá cảnh cũng sẽ không lưu lại dữ liệu của hành khách sau khi đã hoàn tất xác minh.

Giữa lúc đại dịch vẫn hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, du lịch nội khối chính là đòn bẩy góp phần phục hồi ngành “công nghiệp không khói” của EU. Các nhà phân tích cho rằng, dù đã có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19 nhưng các nước thành viên EU vẫn cần thận trọng khi mở cửa trở lại và thúc đẩy du lịch trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

LÂM ANH