Nếu như Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có những chuyến thăm viếng lẫn nhau "như cơm bữa" thì đây là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel tới Italy kể từ khi Thủ tướng Giuseppe Conte lên nắm quyền vào đầu tháng 6-2018. Do vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Merkel đến Rome để thảo luận với ông Conte được đánh giá là một động thái mang tính đột phá trong việc cải thiện mối quan hệ và thúc đẩy hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Italy nói chung, giữa Berlin và Rome nói riêng. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đức chuẩn bị tổ chức Hội nghị về châu Phi vào tháng 12 tới với trọng tâm là hòa bình tại Libya nên người di cư và nhập cư cũng là một nội dung được bàn thảo tới trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo Đức-Italy.
 |
Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Giuseppe Conte tại buổi họp báo chiều 11-11. Ảnh: Getty. |
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Giuseppe Conte trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm như tình hình Libya, vấn đề người di cư và ngân sách của châu Âu. Phát biểu trong buổi họp báo chung, Thủ tướng Conte khẳng định, Italy và Đức có cam kết chung trong giải quyết các thách thức chính hiện nay như vấn đề người di cư, phục hồi tăng trưởng, việc làm, chống biến đổi khí hậu, đàm phán về ngân sách EU hay việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit)...
Về phần mình, Thủ tướng Merkel đánh giá cao cam kết của Italy tại Libya và nhấn mạnh cần phải thực thi lệnh ngừng bắn tại quốc gia Bắc Phi này. Theo bà, việc phối hợp với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya là rất quan trọng, song cần sự tham gia của Italy và Đức, cũng như Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) hay các tổ chức phi chính phủ. Liên quan đến vấn đề di cư, Thủ tướng Merkel cho rằng cần phải tạo ra các cơ hội cho giới trẻ châu Phi. Bà khẳng định, Đức và Italy chia sẻ quan điểm và lợi ích trong vấn đề người di cư và nhập cư, cho rằng cần phối hợp giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân gây ra làn sóng người di cư từ châu Phi đổ vào châu Âu.
Không phải ngẫu nhiên, người di cư và nhập cư lại là một nội dung thảo luận trong hội đàm cấp cao Đức-Italy. Là cửa ngõ của châu Âu, Italy đang phải gồng mình xử lý vấn đề người di cư từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi, thông qua tuyến đường biển vượt Địa Trung Hải. Rome từ lâu phản đối quy chế phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho các nước thành viên EU do Đức khởi xướng. Tuy nhiên, đầu tháng 10 vừa qua, Italy cùng với Đức, Pháp và Malta đã nhất trí việc chia sẻ việc tiếp nhận những người di cư được cứu trên biển. Thỏa thuận tiếp nhận người di cư tạm thời này nhằm tránh để xảy ra các thảm kịch chìm tàu di cư trong tương lai và tìm ra giải pháp cho những tàu giải cứu của các tổ chức phi chính phủ.
Trong khi đó, với vai trò "đầu tàu" ở châu Âu hiện nay, Đức coi việc xử lý tận gốc các vấn đề ở Trung Đông và châu Phi là chìa khóa ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đến châu Âu. Do vậy, thay vì tranh cãi việc phân bổ hạn ngạch người di cư, cả Đức và Italy đã nhất trí cùng hợp sức để giải quyết tận gốc vấn đề này, từ những quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.
Dù chỉ đến và lưu lại Rome một thời gian rất ngắn, song, chuyến thăm của Thủ tướng Angela Merkel tới Italy đã gửi đi nhiều thông điệp quan trọng đối với tương lai của EU. Thay vì Đức và Pháp cùng hợp sức làm "đầu tàu" kéo phần còn lại, trong đó có cả Italy, cùng tiến lên phía trước thì chính Italy cũng có thể trở thành động lực cho cả EU.
BÌNH NGUYÊN