Trong thông báo đưa ra ngày 6-5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh: Mặc dù các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) quan trọng đối với các doanh nghiệp nhưng Washington ủng hộ việc dỡ bỏ bảo hộ các quyền này liên quan tới vaccine ngừa Covid-19. “Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và tình hình đặc biệt của dịch bệnh đòi hỏi phải có những biện pháp ứng phó đặc biệt”, bà Tai nhấn mạnh. Cũng theo Đại diện Thương mại Mỹ, khi nguồn cung cấp vaccine cho người dân Mỹ được bảo đảm, chính quyền sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực, làm việc với lĩnh vực tư nhân và các đối tác để mở rộng sản xuất và phân phối vaccine. Ngoài ra, Mỹ tham gia các cuộc đàm phán của WTO sẽ giúp việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 được tiến hành phổ biến, đồng thời hỗ trợ các nước có thu nhập thấp tự điều chế được vaccine. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi đây là “quyết định lịch sử”, trong khi Liên minh châu Phi (AU) mô tả rằng quyết định của Washington đã phản ánh “vai trò lãnh đạo nổi bật” của cường quốc này.
 |
Vaccine ngừa Covid-19 của Moderna. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ, gồm các nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 như AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson đã phản đối quyết định trên của chính quyền ông Biden. TS Michelle McMurry-Heath, Giám đốc điều hành của tổ chức Đổi mới công nghệ sinh học cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu các động lực phát triển vaccine và phương pháp điều trị đối với những đại dịch trong tương lai.
Không có gì khó hiểu trước phản ứng trên của các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ. Theo AP, các quyền SHTT theo luật pháp Mỹ đã tạo cho chủ sở hữu có quyền năng đặc biệt và hưởng thụ những vị trí đặc biệt trong pháp luật. Với quyền sở hữu, chủ SHTT có thể tạo nên cách thức để thực hiện các quyền năng này, bao gồm cả quyền cấp giấy phép SHTT cho người khác để thu tiền bản quyền. Nếu quyền SHTT vaccine ngừa Covid-19 bị dỡ bỏ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Mỹ mất đi cơ hội khai thác giá trị kinh tế từ những tấm bằng sáng chế trên.
Không chỉ ở xứ cờ hoa, vấn đề về bản quyền vaccine ngừa Covid-19 đang gây ra tranh cãi lớn trong cả cộng đồng quốc tế. Trong những ngày qua, hơn 100 quốc gia cùng nhiều nhà khoa học và các tổ chức lớn đã đệ đơn lên WHO yêu cầu tổ chức này can thiệp để buộc các quốc gia và các hãng dược phẩm từ bỏ bản quyền vaccine ngừa Covid-19, cung cấp cho các nước khác công nghệ để có thể sản xuất vaccine. Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng các nước giàu đang kiểm soát và thâu tóm hầu hết lượng vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất trên thế giới. Trong khi tình trạng dư thừa vaccine xuất hiện tại nhiều nước giàu thì rất nhiều quốc gia nghèo chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào. Mới đây nhất, việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 do diễn biến dịch phức tạp tại nước này đã dẫn đến nguồn cung cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu (Covax) dần cạn kiệt và đẩy các nước châu Phi lâm vào tình trạng thiếu vaccine nghiêm trọng. Ước tính, có hơn 20 nước ở châu Phi sử dụng vaccine AstraZeneca đều bị ảnh hưởng do không tìm được nguồn cung. Thực tế trên khiến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu kéo dài và có nguy cơ đẩy nhiều nước rơi vào thảm cảnh như Ấn Độ và Brazil.
Trong khi đó, những ý kiến trái chiều cho rằng việc đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa Covid-19 phụ thuộc vào khả năng sản xuất và công nghệ chứ không phải vấn đề bản quyền. Một số nước châu Âu như Đức, Pháp tuyên bố ủng hộ cơ chế Covax nhưng cũng cần phải bảo vệ phát minh của các ngành công nghiệp.
Dự kiến vào ngày mai (10-5), WTO sẽ tổ chức cuộc họp bàn liên quan tới dỡ bỏ các rào cản bản quyền vaccine ngừa Covid-19. Giới phân tích cho rằng quá trình dỡ bỏ này khó có thể thực hiện trong “một sớm một chiều” bởi mức độ phức tạp của vấn đề và cần phải đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên WTO. Dù chặng đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng quyết định lịch sử của chính quyền Tổng thống Joe Biden góp phần đáng kể trong nỗ lực chống lại “một thách thức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đương đại”.
BÌNH NGUYÊN