Cuộc tập trận quân sự thường niên Trojan Footprint ở châu Âu của Mỹ, NATO và một số quốc gia khác đang diễn ra tại 5 nước Đông Âu có sự tham gia của Nhóm Triển khai Chiến tranh đặc biệt Hải quân Mỹ (SEAL) từ Virginia Beach. Cuộc tập trận bị hủy vào năm ngoái do đại dịch Covid-19, không phải ngẫu nhiên được nối lại vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang.

Động thái này của Mỹ cho thấy, sau một thời gian dài sứt mẻ quan hệ dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Washington đang muốn chứng tỏ mong muốn cải thiện quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tăng cường hợp tác an ninh với các đồng minh. Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Romania David Muziz khẳng định: “Chúng ta phải mạnh mẽ và ủng hộ các đồng minh của chúng ta khi xuất hiện mối đe dọa. Khi chúng ta mạnh mẽ, khi chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ thấy hiệu quả thực sự trước những vấn đề có thể xảy ra”.

Lực lượng của Mỹ dẫn đầu một cuộc diễn tập cùng với hải quân Tây Ban Nha và Romania ở Mangalia, Romania. Ảnh: CNN 

Lực lượng Mỹ cùng 600 binh sĩ thuộc NATO và không thuộc NATO tiến hành cuộc tập trận trong bối cảnh Nga tiếp tục có các động thái khẳng định sức mạnh quân sự ở khu vực. Hải quân Nga được cho là đang tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đen. Người đứng đầu lực lượng đặc biệt của Romania, Trung tướng Daniel Petrescu cho biết những cuộc diễn tập của Nga ở không xa bờ biển nước này và đây là mối lo ngại. Vào tháng trước, Lầu Năm Góc có kế hoạch điều 2 tàu khu trục tới Biển Đen, tuy nhiên Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã điều tàu tuần duyên Hamilton tới đây để “hỗ trợ các đồng minh và đối tác NATO”.

Ngoài các động thái quân sự hiện nay, trước đó, Mỹ cũng công bố tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu với việc điều thêm 500 binh sĩ tới Đức trong những tháng tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, việc tăng cường quân số được chuẩn bị từ trước này cho thấy quyết tâm duy trì mối quan hệ của Mỹ với nước Đức nói riêng và NATO nói chung.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã thay đổi đáng kể cách tiếp cận của Washington đối với châu Âu nhằm phục vụ cho các mục tiêu đề ra. Đối với Mỹ, ngoài nhu cầu cải thiện quan hệ với đồng minh bên kia bờ đại dương, Washington còn muốn bổ sung những năng lực cần thiết nhằm duy trì sự hiện diện ở lục địa này. Tổng thống Joe Biden từng phát biểu cho rằng, việc tăng cường hiện diện ở châu Âu cho thấy chính quyền rất tập trung giải quyết những điểm yếu của quân đội Mỹ đồn trú ở nước ngoài. Còn với châu Âu, hợp tác với Mỹ nằm trong lợi ích của các nước trong khu vực nhằm tăng cường năng lực và khả năng phòng thủ trước hàng loạt thách thức an ninh, bao gồm mối đe dọa mà họ cho là tới từ phía Nga. 

Con số 500 binh sĩ mà Mỹ tăng cường ở Đức tuy không lớn, nhưng được đánh giá là đủ để tạo ra một sức mạnh lớn hơn và lấp đầy những lỗ hổng lớn về năng lực. Số binh sĩ này sẽ được triển khai cho hai đơn vị cùng tác chiến, trong đó đơn vị đầu tiên tương đối mới đối với quân đội Mỹ: Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền (MDTF), được coi là trung tâm của quá trình hiện đại hóa quân đội. Ngoài pháo binh và phòng không, MDTF cung cấp khả năng tình báo, mạng, tác chiến điện tử và vũ trụ ở châu Âu. Đây là những năng lực cực kỳ cần thiết để phòng thủ và chống lại các mối đe dọa mà cả Mỹ và châu Âu cho là tới từ phía Nga. Còn đơn vị thứ hai không phải là đơn vị chiến đấu, đóng vai trò như cơ quan đầu não quan trọng: Đơn vị Hỏa lực Chiến lược (TFC). Đơn vị chỉ huy và điều khiển mới này có thể điều phối các cuộc tấn công tầm xa trên toàn bộ chiến trường châu Âu. 

Trong 4 năm rạn nứt quan hệ, khả năng phòng thủ của liên minh NATO ở châu Âu được cho là giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên vì lợi ích của an ninh Mỹ và châu Âu, cả hai đang bỏ lại phía sau giai đoạn của chia rẽ và ngờ vực. Tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến hồi đầu năm 2021, những phát biểu của Tổng thống Joe Biden về sự trở lại của nước Mỹ trong vị trí lãnh đạo đã làm hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương theo đúng quỹ đạo vốn có. Khi đó, ông Joe Biden đã có những tuyên bố làm ấm lòng đồng minh: “Nước Mỹ đã trở lại, Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Và chúng ta không nhìn lại phía sau; chúng ta đang cùng nhau hướng về phía trước”. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, 500 binh sĩ Mỹ đến đóng quân lâu dài tại khu vực Wiesbaden của Đức sẽ tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ ở châu Âu. “Họ sẽ tăng cường khả năng hiện có của chúng tôi để ngăn chặn xung đột và nếu cần, để chiến đấu và giành chiến thắng”, ông Lloyd Austin nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, sự hiện diện này của Mỹ ở châu Âu được cho là chưa thể đủ để giải quyết những khiếm khuyết bấy lâu trong hệ thống phòng thủ và răn đe ở châu Âu. Trong đó, điểm đáng chú ý là sự thiếu vắng quân đội Mỹ ở khu vực Baltic và Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tăng cường sự hiện diện ở châu lục này.

Nhưng dù sao, với động thái quân sự xích lại gần châu Âu dưới thời ông Joe Biden, Mỹ đã phát đi một thông điệp tích cực đó là các đồng minh và đối tác cần hợp tác, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung, mở ra thời kỳ mới của quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương. 

MAI NGUYÊN