Theo AFP, ngày 10-6 (theo giờ Mỹ), phát biểu trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Anh, Tổng thống Biden tuyên bố, Mỹ sẽ tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. "Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ nhân đạo của chúng tôi nhằm cứu nhiều mạng sống nhất có thể. 500 triệu liều vaccine sẽ bắt đầu được vận chuyển vào tháng 8, ngay khi họ triển khai dây chuyền sản xuất. Mỹ sẽ cung cấp nửa tỷ liều vaccine này không có điều kiện ràng buộc kèm theo. Vô điều kiện! Chúng tôi đang làm điều này để cứu những mạng sống", ông Biden nhấn mạnh.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng quyết định nói trên là một "bước đi lịch sử", đồng thời cam kết Mỹ sẽ là “kho chứa vaccine” trong cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19.
 |
Người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một trung tâm y tế ở thủ đô London, Anh. Ảnh: Reuter. |
Tuyên bố nói trên được ông Biden đưa ra trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các nước giàu có như Mỹ hay Anh cần tăng cường chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 với các nước kém phát triển hơn. Đáp lại, cũng trong ngày 10-6, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo nước này sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, ưu tiên cho những nước nghèo nhất. Trong số 100 triệu liều vaccine này, dự kiến 80 triệu liều sẽ được chuyển cho chương trình Covax-cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước nghèo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng. “Nhờ thành công của chương trình tiêm chủng tại Anh, chúng tôi hiện có thể chia sẻ một số liều vaccine còn dư cho những người cần đến”, Reuters dẫn tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Anh.
Tính đến thời điểm hiện tại, hơn nửa dân số Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong khi tại Anh cũng có tới 77% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Ngoài Mỹ và Anh, đến nay một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine cho các quốc gia kém phát triển hơn vào cuối năm nay, trong đó, riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.
Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 11 đến 13-6 ở Cornwall (Anh), nhóm G7 dự kiến cũng sẽ cam kết chia sẻ 1 tỷ liều vaccine cho cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn thế giới. Mới đây, ông Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cam kết tiêm chủng cho toàn thế giới vào cuối năm 2022 và dần đưa mọi hoạt động xã hội trở lại sau đại dịch. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, kế hoạch này vẫn chưa đủ để có thể giúp thế giới chiến thắng đại dịch. Tổ chức Oxfam ước tính có gần 4 tỷ người tại các nước có thu nhập thấp và trung bình đang rất cần vaccine ngừa Covid-19 từ chương trình Covax.
Hãng tin Reuters dẫn đánh giá của các nhà khoa học cho rằng, đến nay vaccine vẫn là phương án tốt nhất để dập tắt đại dịch, đồng thời cảnh báo nếu tiếp tục để các nước nghèo tự đối phó với đại dịch có thể dẫn tới nguy cơ xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, và thậm chí những biến thể này còn có khả năng chống vaccine.
ANH VŨ