Theo Reuters, nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng và khôi phục nền kinh tế, dự kiến Chính phủ Indonesia sẽ ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho những người trưởng thành trong độ tuổi lao động thay vì người cao tuổi.

Trước đó, tháng 12-2020, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 do Công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất và lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc từ ngày 13-1 tới. Mới đây, lại có tin Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của Indonesia đã cấp phép cho Công ty dược quốc doanh PT Bio Farma sản xuất 100 triệu vaccine ngừa Covid-19. Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin, dự kiến chương trình tiêm chủng toàn quốc nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và sẽ hoàn tất sau khoảng 15 tháng.

Tính đến ngày 8-1, tổng số người nhiễm Covid-19 tại Indonesia đã vượt mốc 800.000 ca, trong đó gần 24.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, với Indonesia hiện nay, việc tiêm chủng vaccine không chỉ nhằm mục tiêu đẩy lùi đại dịch, mà còn liên quan mật thiết tới quá trình phục hồi kinh tế. Bởi, năm 2020, Covid-19 khiến nền kinh tế Indonesia lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong vòng hơn hai thập kỷ.

 Ảnh minh họa: bbc.com

Chính vì vậy, sau khi hoàn thành tiêm vaccine cho các nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên công vụ, dự kiến Indonesia sẽ tiến hành tiêm chủng cho những người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Tờ Chanel News Asia cho rằng, với việc ưu tiên tiêm vaccine trước cho nhóm người có tương tác xã hội và hoạt động kinh tế nhiều hơn, Chính phủ Indonesia hy vọng có thể nhanh chóng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, đồng thời đẩy nhanh quá trình khôi phục kinh tế, bởi khi ấy, các hoạt động chi tiêu hay sản xuất sẽ được nối lại.

Kế hoạch tiêm chủng của Indonesia khá khác biệt so với các quốc gia. Điển hình như Mỹ, Anh hay một số quốc gia ở châu Âu đã đề ra chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trong đó ưu tiên những người cao tuổi vì cho rằng nhóm đối tượng này có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn.

Giải thích về cơ sở tiếp cận chương trình tiêm chủng mà Indonesia áp dụng, Giáo sư Dale Fisher thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định:“Những người trưởng thành trong độ tuổi làm việc thường năng động hơn, giao tiếp và đi lại nhiều hơn. Vì vậy, chiến lược này sẽ giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng nhanh hơn so với việc tiêm chủng cho những người lớn tuổi". Tuy nhiên, Giáo sư Dale Fisher cũng lưu ý rằng, những người lớn tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong hơn. Vì thế, tiêm phòng cho nhóm này cũng vô cùng cần thiết.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Faisal Rachman của Ngân hàng Mandiri (Indonesia) cho rằng, nhóm dân số ở độ tuổi từ 18 đến 59 có nhu cầu tiêu dùng cao hơn các nhóm khác, trong khi tiêu dùng hộ gia đình đóng góp hơn 50% cho nền kinh tế Indonesia. Vì thế, ưu tiên tiêm chủng cho nhóm người này có thể sẽ giúp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế ở Indonesia diễn ra nhanh hơn. “Chúng tôi không chạy theo xu hướng”, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Indonesia khẳng định.

Đến giờ vẫn chưa có đáp án về một chiến lược tiêm chủng tối ưu nhất. Nhưng rất có thể, hiệu quả của mỗi loại vaccine không chỉ được chứng minh qua khả năng ngăn ngừa, tiêu diệt virus, mà còn phụ thuộc vào cách mà chúng ta sử dụng, phân phối vaccine ấy như thế nào.

CHÂU ANH