 |
Hai con tin Hàn Quốc trong nhóm cuối cùng được Ta-li-ban trả tự do. Ảnh AFP |
Tất cả các con tin người Hàn Quốc đã được phóng thích, kết thúc vụ bắt cóc con tin nước ngoài tồi tệ nhất tại Áp-ga-ni-xtan trong nhiều thập kỷ qua. Cuộc khủng hoảng con tin lần này tuy chấm dứt song sẽ để lại trong tâm trí các con tin này cơn ác mộng mang tên Ta-li-ban.
Ký ức kinh hoàng
Nhìn lại 43 ngày bị Ta-li-ban giam hãm với nỗi sợ hãi tột độ trước nguy cơ bị giết bất cứ lúc nào, chắc chắn các con tin Hàn Quốc sẽ khó có thể quên những ký ức kinh hoàng. Ngày định mệnh 19-7 xảy đến với 23 công dân Hàn Quốc khi họ bị Ta-li-ban bắt giữ tại tỉnh Ga-ni. Từ đây bắt đầu chuỗi ngày hoảng loạn của 23 công dân Hàn Quốc trong tay Ta-li-ban, chế độ một thời được coi là khát máu và tàn bạo nhất tại Áp-ga-ni-xtan.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình A-rập Al Jazeera mới đây, sau lời kể bập bõm, đôi lúc nấc nghẹn của 2 nữ con tin đầu tiên được phóng thích vì chưa hết hoảng sợ sau hơn một tháng trời sống trong sự giam hãm của Ta-li-ban, nhiều người mới biết được rằng, trong nỗi sợ hãi tột cùng khi phải chứng kiến 2 người trong đoàn bị giết hại.
Theo lời nữ con tin Kim Ji Na, lúc đầu, Ta-li-ban quyết định thả chị Lee Ji Yong, phiên dịch viên của đoàn. Nhưng sau đó, người phụ nữ này đã nhường cơ hội sống sót cho chị. “Lee Ji Yong nói rằng cô ấy có nhiều kinh nghiệm làm việc ở Áp-ga-ni-xtan và điều đó sẽ có ích cho những người còn lại. Nhưng tôi biết cô ấy đã hy sinh cho chúng tôi cơ hội sống. Thay vì hạnh phúc, trái tim tôi vỡ ra. Tôi đau đớn nghĩ tới số phận của những người còn lại”, chị Kim Kyung Ja, nữ con tin thứ hai được thả ngậm ngùi nói. “Trong những ngày bị giam cầm, Ta-li-ban không tra tấn, đánh đập mà vẫn cung cấp cho chúng tôi chăn màn, thực phẩm và cả thuốc men”, Kim Ji Na cho biết.
Khi nhà chức trách Áp-ga-ni-xtan kiên quyết không trao đổi tù binh với Ta-li-ban, mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã cử một đoàn chuyên trách đặc biệt sang nước này để đàm phán, thân nhân người bị nạn gần như tuyệt vọng. Trong khi đó, những mô tả của một phóng viên kênh truyền hình BBC gửi từ tỉnh Ga-ni, nơi các con tin bị cầm giữ, càng khiến cho số phận của họ thêm mờ mịt, bởi ngay cả cảnh sát được vũ trang hạng nặng cũng sợ vấp phải mìn hoặc gặp phục kích của Ta-li-ban khi tiến vào sâu trong vùng hoang mạc gió cát.
Bí mật phía sau những cuộc đàm phán
Nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi “cơn ác mộng con tin” kết thúc nhưng trong dư luận hiện đang nổi lên những thắc mắc vì sao Ta-li-ban chấp nhận phóng thích tất cả con tin, trong khi chưa có một tù binh Ta-li-ban nào được thả. Phía Hàn Quốc hiện chưa công bố chi tiết những thỏa thuận đạt được với Ta-li-ban mà chỉ nói rằng, họ đã tái khẳng định sẽ rút hết 210 quân nhân còn lại khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm nay. Những trước khi xảy ra vụ bắt cóc con tin, Chính phủ Hàn Quốc đã có một tuyên bố về kế hoạch rút quân này. Như vậy, đó không thể xem là hành động “trao đổi” với Ta-li-ban mà có chăng chỉ là cam kết gần đây của phía Hàn Quốc về việc sẽ ngăn công dân nước mình tới Áp-ga-ni-xtan để truyền giáo. Do đó, nếu chi tiết các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Ta-li-ban chưa được công bố thì trong dư luận vẫn tồn tại nhiều băn khoăn.
Trong khi đó, báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 31-8 đã đăng tải bức ảnh một nhà thương thuyết Hàn Quốc, được camera “chộp” được lúc ông này xuất hiện trước các nhà báo ngay sau khi các bên đàm phán Hàn Quốc và Ta-li-ban đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc thả tất cả con tin. Theo Chosun Ilbo, nhà thương thuyết này đeo kính đen để che bớt diện mạo, không tiết lộ danh tính nhưng lại có hành động chưa từng có tiền lệ là choàng tay qua vai một đại diện của Ta-li-ban, cử chỉ “kỳ lạ” đối với một nhà thương thuyết trong khi chụp ảnh chung với những nhân vật được coi là “khủng bố”. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, người này là đặc phái viên của một tổ chức chưa rõ và không phải là nhân viên của bộ này. Chosun Ilbo cho rằng, nhà thương thuyết “bí hiểm” có thể là nhân viên của Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) và là nhân vật mang lại thành công cho cuộc đàm phán cuối cùng với Ta-li-ban.
Ta-li-ban chắc chắn không trả tự do cho nhóm con tin dễ dàng như vậy, đó là nhận định chung của dư luận hiện nay. Do đó nhiều ý kiến cho rằng, Xơ-un chắc hẳn đã phải bỏ ra một khoản tiền chuộc lớn để đổi lấy tự do cho 19 công dân. Đài truyền hình Al Jazeera cho biết, số tiền chuộc có thể lên tới 20 triệu USD. Còn theo hãng tin AP, Ta-li-ban đã ra giá 500.000 USD cho mỗi con tin. Trong khi đó, tờ Asahi Shimbun có nhiều uy tín của Nhật Bản tiết lộ, Xơ-un đã trả 2 triệu USD tiền chuộc để đổi lấy tự do cho các con tin. Tuy nhiên, cả phía Hàn Quốc lẫn Ta-li-ban đều phủ nhận có thỏa thuận về tiền chuộc.
Cuộc khủng hoảng con tin Hàn Quốc đã phủ bóng mây u ám lên tương lai của người nước ngoài tại Áp-ga-ni-xtan. Bất kể là binh lính gìn giữ an ninh hay những người hoạt động nhân đạo cũng có thể trở thành con tin. Trong khi Ta-li-ban đang huênh hoang về “thắng lợi” của mình, thì nhà chức trách sở tại và lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở nước này vẫn canh cánh nỗi lo trước tác động từ vụ này. Dù cho cuộc khủng hoảng chấm dứt bằng cách này hay cách khác, kết quả của nó cho thấy vai trò của những người có trách nhiệm bảo vệ an ninh tại Áp-ga-ni-xtan vẫn còn khá mờ nhạt./.
Linh An