Xu thế tất yếu

Tác động của đại dịch đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế số tại nhiều quốc gia. Khi các chính phủ nỗ lực ngăn chặn dịch bằng những biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, các công nghệ kỹ thuật số tỏ rõ ưu thế khi cho phép nhiều doanh nghiệp duy trì được hoạt động.

Theo ông Angel Gurria, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), điều ngày càng trở nên rõ ràng là cú sốc mang tính hệ thống do đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số vốn đã diễn ra nhanh. Các công nghệ kỹ thuật số cho phép các nền kinh tế tránh bị ngưng trệ hoàn toàn, khi hàng tỷ người phải làm việc hoặc học tập từ xa. Không phải là điều đáng ngạc nhiên khi một số nước có lượng truy cập internet tăng 60% kể từ khi dịch bùng phát.

Hiện nay, chuyển đổi số dần trở thành một xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức và từng cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có. Những tác động tích cực của nền kinh tế kỹ thuật số có thể được nhìn thấy trên vô số mặt, từ gia tăng hoạt động kinh tế đến cải thiện chất lượng cuộc sống con người.

Cũng chính vì vậy, Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa qua đã công bố gói ngân sách 1,2 tỷ AUD (tương đương 926,5 triệu USD) đầu tư cho nền kinh tế kỹ thuật số, với quyết tâm đưa Australia trở thành nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu thế giới vào năm 2030. Thủ tướng Scott Morrison cho rằng, một trong những thách thức và cơ hội lớn nhất của Australia là cách mà quốc gia này ứng phó với quá trình chuyển đổi số, vốn đang diễn ra ở mọi khía cạnh, trong mọi lĩnh vực của đời sống con người.

Thủ tướng Scott Morrison cho rằng, Australia cần phải giữ đà phát triển kỹ thuật số. Ảnh: The Sydney Morning Herald

Theo ông, mọi doanh nghiệp ở Australia hiện nay đều là một doanh nghiệp kỹ thuật số. Sự chuyển đổi này không chỉ là một sự chuyển đổi cần diễn ra trên quy mô quốc gia, mà là một sự chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu. Và Australia cần phải giữ đà phát triển kỹ thuật số để bảo đảm sự phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19.

Khoản đầu tư mang tính bước ngoặt

Chiến lược Kinh tế Kỹ thuật số của Australia có mục tiêu đầu tư vào các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), bồi dưỡng kỹ năng kỹ thuật số cho người lao động, khuyến khích đầu tư kinh doanh và mở rộng các dịch vụ công trực tuyến.

Theo The Sydney Morning Herald, gần một nửa gói đầu tư 1,2 tỷ AUD sẽ dành để nâng cao hệ thống chính phủ điện tử myGov và hệ thống y tế điện tử My Health Record. Trong khi đó, hơn 100 triệu AUD được dùng vào việc tài trợ cho công tác bồi dưỡng kỹ năng kỹ thuật số đối với người lao động. Chính phủ Australia cũng dành 124 triệu AUD cải thiện năng lực AI của Australia, 111 triệu AUD đẩy nhanh việc sử dụng Quyền Dữ liệu Người tiêu dùng trong các lĩnh vực như ngân hàng và năng lượng, qua đó cho phép người dân Australia kiểm soát thông tin cá nhân có thể bị các công ty công nghệ lớn thu thập được.  

Ngoài ra, chính phủ cũng chi 50 triệu AUD cho các dịch vụ an ninh mạng, các trung tâm dữ liệu và mạng viễn thông, đồng thời có các khoản dành để khuyến khích việc áp dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ phát triển công nghệ mới như máy bay không người lái.

Gói ngân sách trên là một phần của ngân sách liên bang cho tài khóa 2021-2022, qua đó tăng khoản đầu tư của Chính phủ Australia cho nền kinh tế kỹ thuật số lên đến 2 tỷ AUD (1,54 tỷ USD). Bộ trưởng Tài chính Australia, ông Josh Frydenberg cho biết: “Tăng cường áp dụng kỹ thuật số sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất, qua đó thúc đẩy tạo việc làm và mức lương cao hơn”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính và Kinh tế Kỹ thuật số đồng thời là Bộ trưởng An ninh Kinh tế phụ nữ-bà Jane Hume lại nhận định ngân sách liên bang cho tài khóa 2021-2022 thể hiện một khoản đầu tư mang tính bước ngoặt vào tương lai kỹ thuật số của Australia.

NGỌC HÂN