Theo Reuters, phái đoàn đàm phán của Anh đến Brussels lần này có khoảng 100 quan chức, với nhiệm vụ quan trọng là thảo luận với giới lãnh đạo EC về các nội dung cụ thể trong quan hệ song phương thời kỳ hậu Brexit. Đoàn đàm phán của EU do ông Michel Barnier dẫn đầu và đoàn đàm phán phía Anh do Cố vấn cấp cao của Thủ tướng Anh, ông David Frost dẫn đầu.
Vòng đàm phán đầu tiên này dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày với nhiều lĩnh vực được đem ra bàn thảo, từ thương mại hàng hóa, hợp tác an ninh, tự do đi lại đến hoạt động đánh bắt cá, giao lưu sinh viên… Các nhóm làm việc của hai bên dự kiến cũng sẽ có các cuộc gặp song song trước khi tham dự phiên họp toàn thể cuối cùng vào ngày 5-3 tới để đánh giá những tiến triển cũng như các vấn đề còn tồn tại.
 |
Ông Michel Barnier dẫn đầu đoàn đàm phán của EU trong vòng đàm phán lần này với các quan chức Anh. Ảnh: Timesdaily.com. |
Mục tiêu mà Anh và EU đặt ra trong các vòng đàm phán sắp tới là phải đạt được một thỏa thuận về quan hệ song phương trong tương lai trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31-12-2020, từ đó tạo điều kiện để các nội dung trong thỏa thuận này bắt đầu được khởi động từ năm 2021.
Đến nay, người ta vẫn trông đợi vào khả năng Anh và EU sớm đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai. Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, kịch bản không thỏa thuận vẫn có thể xảy ra do cả đôi bên đều thể hiện lập trường cứng rắn về một số nội dung sắp đem ra bàn thảo. Điển hình là trong khi EU muốn Anh duy trì sự liên kết nhiều nhất có thể với các tiêu chuẩn của khối này và đòi hỏi phải có sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp của hai bên, thì phía London cũng tỏ rõ lập trường thông qua việc nhấn mạnh đến sự độc lập chính trị, đồng thời cảnh báo rằng sẽ chấm dứt đàm phán vào tháng 6 tới nếu các cuộc thảo luận không đem lại tiến triển theo cách nhìn nhận và đánh giá của nước này.
Trang tin điện tử của kênh truyền hình France24 nhận định, nếu không thể đạt được thỏa thuận thương mại nào trong các cuộc đàm phán sắp tới, cả Anh và EU sẽ phải hứng chịu những tổn thất nặng nề về mặt kinh tế. Các nhà kinh tế học của Liên hợp quốc thì dự đoán rằng nếu điều đó xảy ra, mỗi năm Anh có thể mất 32 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, bởi hiện EU vẫn là một bạn hàng lớn của London.
Trong khi đó, Bộ Thương mại quốc tế của Anh lại cho biết, nước này đã bắt đầu xúc tiến các cuộc đàm phán thương mại tự do với Mỹ. Và trong trường hợp Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Anh trước EU thì chính châu Âu mới bị “giáng một đòn mạnh”. Tương tự, những người ủng hộ Brexit cũng đánh giá nếu đàm phán thất bại, EU sẽ mất nhiều hơn Anh.
Song song với việc cử một phái đoàn đông đảo đến đàm phán với giới chức EU, hiện giới chức Anh cũng đang rục rịch tìm kiếm một vai trò mới trên trường quốc tế cũng như hướng đến các đối tác mới sau khi rời khỏi EU. Được biết, trong ngày 2-3, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã đích thân công du tới Vùng Vịnh để đàm phán với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia về một loạt vấn đề, trong đó có thương mại.
Sau vòng đàm phán đầu tiên ở Brussels, dự kiến Anh và EU sẽ tiếp tục bước vào vòng đàm phán thứ hai ở London.
ANH VŨ