Khi được hỏi về thành tích đua phong trào của mình, người phụ nữ Quảng Bình này càng sôi nổi: “Thành tích tốc độ của em chưa có gì đáng kể, nhưng thành tích phụ thì rất nổi. Người thì săn khỏe lại, tâm hồn thì tươi trẻ hơn. Các thành viên trong câu lạc bộ thường khen em “tươi, không cần tưới” là thế đấy.

Đây là lời khen thật. Quả xe đạp là thứ “mỹ phẩm” thật diệu kỳ!

leftcenterrightdel
Các tay đua tại Cuộc đua xe đạp "Về Trường Sơn - 2017, Cup Báo Quân đội nhân dân".

THÀNH PHƯƠNG

Ta - Tây kết hợp

Các cuộc đua xe đạp đường dài ở Việt Nam, các nhà chuyên môn thường bố trí chặng đua có chiều dài 150-180km. Vào sáng sớm, trước khi xuất phát chặng đua, cua-rơ thường ăn nhẹ, chỉ một gói xôi hoặc bát phở ít nước. Đương nhiên, đạp xe tốc lực với cự ly dài như thế, các cua-rơ phải được nạp thêm “nhiên liệu”. Trước đây “nhiên liệu” ấy chủ yếu là chuối; còn bây giờ cũng rất sang, có thêm những túi vi lượng, chẳng thua kém gì vận động viên nước ngoài.

Tuy nhiên, theo cua-rơ Phạm Hoàng Thái (Đội Dược Domesco Đồng Tháp) tiết lộ với chúng tôi trước giờ xuất phát chặng Hà Tĩnh - Quảng Bình, thì: “Nhẹ bụng và dai sức nhất vẫn là ta- tây kết hợp, ấy là chuối chín và  keo vi lượng của nước ngoài”.

Chúng tôi hỏi thêm về gói keo vi lượng nhập ngoại ấy, anh chần chừ, giường như cua-rơ này muốn giữ bí mật và cả quy định quảng cáo nữa!

THU PHƯƠNG

Mạnh hơn cả bão!

Biết đoàn đua về đích chặng 4 (Hà Tĩnh - Quảng Bình) tại TP Đồng Hới, anh Hồ Văn Bẩy ở xã Bảo Ninh đã vượt cầu Nhật Lệ sang đầu đường Hùng Vương để xem trọn “đoạn nước rút”. Niềm hâm mộ môn thể thao xe đạp của anh thật đáng nói: “Tôi 47 tuổi và đã từng chứng kiến 23 cuộc đua xe đạp qua đất Quảng Bình. Tôi thấy thú vị nhất là xem các vận động viên về đích. Họ khỏe thật, đạp xe cả buổi sáng với hàng trăm km mà về đích ào ạt, mạnh hơn cả gió bão đêm hôm trước”.

Anh còn tiết lộ cảm nhận của mình với những người xung quanh: “Nếu ai thích cảm giác mạnh, cứ xem cua-rơ xe đạp về đích!”.

TUẤN HẢI

Không chuyên mà như chuyên nghiệp

“Về Trường Sơn đồi núi chập trùng

Về Trường Sơn nơi đồng đội tôi còn đó...

Là những vận động viên, là những cổ động viên

Nhớ những người hy sinh, chúng tôi về Trường Sơn”.

Ngay từ Lễ khai mạc cuộc đua tại Hà Nội, rồi trong suốt các chặng đường đua vào tới Quảng Bình, từ chiếc loa trên xe tuyên truyền, lời ca ấy cứ vang lên rộn rã, thúc giục đoàn đua, cuốn hút lòng người cổ vũ. Ai cũng khen bài hát hay, nhiều ý nghĩa, nhưng ai sáng tác thì nhiều thành viên đoàn đua chưa biết? Bởi thế, nên khi biết tác giả của nó chính là Đại tá Nguyễn Ngọc Khoa, phóng viên phòng Bạn đọc-Cộng tác viên, Báo Quân đội nhân dân, thành viên cuộc đua này, ai cũng bất ngờ!

“Sao không chuyên mà Đại tá Khoa giỏi vậy - được cả lời ca và giai điệu”. Chị Thu Cúc, Liên đoàn Mô tô - Xe đạp Việt Nam đã cảm nhạc như vậy.

Còn chúng tôi ở Báo Quân đội nhân dân thì biết anh sáng tác ca khúc này vào đầu tháng 7 năm 2007, khi tòa soạn đang chuẩn bị cho cuộc đua xe đầu tiên về Trường Sơn (tháng 7 năm 2007).

Bây giờ nhiều thành viên đoàn đua đã thuộc ca khúc này. Tôi tin, sáng nay đoàn đua từ Thành phố Đồng Hới tới Nghĩa trang Trường Sơn mọi người sẽ cảm nhận ca khúc này hay hơn, ý nghĩa hơn, nhân lên cảm xúc và sức mạnh để các vận động viên về đích với thành tích cao nhất.

HẢI THÁI TUẤN

Thêm kinh nghiệm, thêm tình hữu nghị

Trong đoàn đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo Quân đội nhân dân” có hai đội quốc tế của hai nước bạn là Lào và Thái Lan.

Riêng đội Thái Lan toàn cua-rơ trẻ, nên rất hào hứng tham gia thi đấu. Cua - rơ trẻ nhất đoàn là Nimuhamadrulhairee (sinh năm 1998) lần đầu tiên sang Việt Nam, lần đầu tiên thi đấu ở nước ngoài và cũng là lần đầu tiên tham gia thi đấu đường dài như cuộc đua này, bày tỏ: “ Khi bay đến Hà Nội, tôi vô cùng bỡ ngỡ, nhưng được Ban tổ chức quan tâm chu đáo và mọi người tiếp đón, giúp đỡ rất thân thiện nên quen ngay. Người trẻ như chúng tôi được tham gia cuộc đua thì thật thú vị, vì có thêm kinh nghiệm, có thêm hiểu biết về Việt Nam và có thêm tình hữu nghị!”.

HỒNG QUANG