Nói đến môn vật của thể thao Hà Nội là nhắc đến huấn luyện viên Lê Văn Sức, người nổi tiếng tạo ra nhiều đô vật nữ và nâng tầm họ lên thành những vận động viên hàng đầu khu vực và châu lục. Ở tuổi ngoài 60, ông vẫn đang miệt mài với công tác đào tạo trẻ.

Đều đặn 3 ngày mỗi tuần, ông Lê Văn Sức đứng lớp, dạy bảo những kỹ thuật vật cho 20 cậu bé. Ông Lê Văn Sức chia sẻ, vì đa phần các vận động viên còn nhỏ tuổi nên ngoài việc chỉ bảo về chuyên môn, ông còn quán xuyến việc đi lại, giờ giấc sinh hoạt của các cháu.

Bộ môn bóng bàn Hà Nội hiện đang đào tạo và huấn luyện cho hàng chục vận động viên từ 7 đến 15 tuổi. Huấn luyện viên Lê Huy, Phụ trách bộ môn bóng bàn Hà Nội cho biết, thể thao Hà Nội thường chọn đào tạo vận động viên từ 7-8 tuổi và đương nhiên là các huấn luyện viên phải thêm việc từ trông nom ngoài giờ, đốc thúc học văn hóa, uốn nắn trong hành vi, cư xử, xử lý tình hình khi vận động viên đau ốm đau…

Cũng vì vậy, mới có việc một tuần ít nhất hai đêm, huấn luyện viên của tuyến trẻ phải nghỉ lại ở trung tâm để trực, kịp thời nắm bắt, xử lý tình huống. “Nếu không có trách nhiệm và yêu nghề thì họ khó có thể đeo đuổi công việc này đến tận bây giờ. Họ coi những vận động viên như con của mình vậy”, huấn luyện viên Lê Huy cho biết.

Huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia kèm cặp vận động viên học văn hóa. 

Kể về việc đào tạo trẻ hiện nay, huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà cho rằng: “Có lẽ, không phải tôi mà các huấn luyện viên làm công tác đào tạo trẻ đều nhận thức rõ rằng, khi các gia đình đã tin tưởng giao con em mình cho ngành thể thao từ khi các em còn bé thì mình cũng phải có trách nhiệm. Chúng tôi luôn tâm niệm mình phải đảm nhận vai trò bố, mẹ của các cháu khi ở đội tuyển”.

Ngay ở đội bóng bàn trẻ quốc gia, trong 13 tay vợt, hầu hết đều đến từ các tỉnh lẻ. Ngoài việc chăm lo chuyện ăn, ngủ, học, nghỉ ngơi và tập luyện cho các vận động viên, các huấn luyện viên còn phải cố gắng tạo môi trường mang tính gia đình để các cháu vơi nỗi nhớ nhà.

Cũng vì thế, ở đội, những dịp cuối tuần, hay Tết thiếu nhi, rằm Trung thu luôn có các hoạt động sinh hoạt tập thể để tăng tính gắn kết. Ngay trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại Hà Nội, các cơ sở tập luyện đều phải “cấm trại”, nhiều thầy cũng phải xa vợ con để ở lại đội nhằm động viên, chia sẻ với học trò.

Không chỉ ở môn vật, bóng bàn mà các huấn luyện viên thể dục dụng cụ cũng vừa là những người thầy kiêm “bảo mẫu” của các vận động viên. Tại môn thể dục dụng cụ, khi các gia đình gửi con vào đội lúc các con mới 6-8 tuổi nên các huấn luyện viên càng phải có trách nhiệm, để không phụ sự tin tưởng của gia đình. Ông Kiều Xuân Đô, huấn luyện viên đội tuyển trẻ thể dục dụng cụ Hà Nội tin tưởng: “Một khi đã dành hết tâm huyết cho công việc thì chắc chắn chúng tôi sẽ nhận được trái ngọt. Trong thể thao, không thể đào tạo theo kiểu "ăn xổi" được mà phải cần một quá trình bền bỉ, trong đó vận động viên và huấn luyện viên gắn bó nghĩa tình như gia đình”.

Trong những năm qua, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trên đấu trường khu vực và quốc tế. Để đạt thành tựu kể trên thì không thể không nhắc tới những huấn luyện viên đang ngày đêm miệt mài trong sự nghiệp “trồng người” của ngành thể thao. Bởi vậy, họ cũng xứng đáng được vinh danh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. 

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG