Mảnh đất thuần nông còn nhiều khó khăn nhưng tình yêu bóng đá của những dân quê thì vẫn luôn cháy bỏng. Chính từ ngôi làng này, nhiều cầu thủ đã thành danh, mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.
Phong trào đá bóng của Nghiêm Xá đã có từ lâu. Năm 1993, thôn Nghiêm Xá đã thành lập đội bóng đá nữ tham gia thi đấu giải hội làng. Những ngày đầu phát động phong trào, địa phương gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, sân bãi phải san lấp, bóng tập thiếu thốn. Tuy vậy khi nghe thông tin thành lập đội bóng, bà con trong thôn rất phấn khởi, tự nguyện đóng góp công sức, ủng hộ vật chất. Giải đấu đầu tiên tại miền quê nghèo Nghiêm Xá đã diễn ra trong niềm hân hoan của mọi người. Khi ấy cả tỉnh Hà Tây (trước đây) chưa có đội bóng đá nữ. Nghe tin thôn Nghiêm Xá tổ chức thành công giải bóng đá nữ tại địa phương, Trung tâm Thể thao tỉnh Hà Tây về tìm hiểu và nhận luôn là đội bóng đá nữ của tỉnh. Sau quá trình khổ luyện, năm 1996, đội bóng của thôn đã đại diện cho tỉnh Hà Tây tham gia thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng và đạt giải nhì miền Bắc.
 |
Cựu chiến binh Dương Khắc Kiểm dạy các cháu nhỏ tham gia lớp học đá bóng tại thôn Nghiêm Xá. |
Ông Nguyễn Đức Văn, Trưởng thôn Nghiêm Xá cho biết: “Phong trào đá bóng của thôn ngày càng thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia. Địa phương đã thành lập câu lạc bộ bóng đá, tùy theo từng lứa tuổi để tổ chức thành từng nhóm cùng nhau luyện tập. Các vật dụng từ bóng, lưới, cờ, còi… đều do người dân đóng góp, trang bị phục vụ quá trình luyện tập. Với phương châm rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe nên ai cũng tích cực tham gia”.
Để hoạt động phong trào đá bóng đi vào chiều sâu, địa phương còn mở lớp dạy bóng đá cho con em trong thôn. Người trực tiếp đứng lớp là cựu chiến binh Dương Khắc Kiểm. Lớp học của ông nhận dạy các cháu nhỏ từ 7 đến 15 tuổi. Nhiều năm qua, lớp học của thôn Nghiêm Xá đã đào tạo được nhiều cầu thủ tài danh tham gia đội tuyển bóng đá nữ quốc gia như: Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Nga, Dương Khánh Ly, Đỗ Thu Trang. Các tuyển thủ trên từng tham gia nhiều giải đấu: Vô địch quốc gia, Sea Games, Asian Cup, Asiad… đem vinh quang về cho thể thao nước nhà. Khi đạt thành công trên con đường thể thao chuyên nghiệp, nhiều cầu thủ đã quay lại hỗ trợ về vật chất, truyền đạt kinh nghiệm để phong trào đá bóng của địa phương ngày càng phát triển.
Hiện tại lớp học của thôn còn nhận đào tạo cho nhiều em ở các địa phương trong huyện Thường Tín và huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Em nào có năng khiếu tốt và có nguyện vọng phát triển theo con đường bóng đá chuyên nghiệp sẽ được giới thiệu đầu quân vào đội bóng đá nữ Hà Nội. Em Nguyễn Thị Nhung, học sinh Lớp 9, Trường THCS Nghiêm Xuyên tâm sự: “Tuy là con gái nhưng chúng em rất thích bóng đá. Sau giờ học ở trường, các bạn nữ trong thôn lại tập trung thành đội bóng tham gia luyện tập ngoài sân vận động. Nhờ có thầy truyền dạy, chúng em có thêm các kỹ năng đá bóng, rèn luyện sức khỏe bền bỉ, dẻo dai. Sau này em muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, để thỏa niềm đam mê với trái bóng tròn”.
Ông cho Hoàng Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Nghiêm Xuyên cho biết: “Hoạt động đá bóng sôi nổi của thôn Nghiêm Xá đã thu hút được đông đảo người dân tham gia. Nhờ tích cực luyện tập nên đội bóng đá của thôn luôn giành kết quả cao trong các dịp thi đấu giao hữu, Đại hội thể dục thể thao do xã, huyện tổ chức. Nhiều địa phương đã đến thăm quan học tập và sau đó đã thành lập các câu lạc bộ bóng đá. Chính quyền xã cũng quan tâm, tạo điều kiện để thôn duy trì hoạt động luyện tập truyền dạy bóng đá, qua đó khơi dậy phong trào thi đua rèn luyện sức khỏe, tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư”.
Bài và ảnh: VŨ DUY