Tham vọng của người đứng đầu VFF là có cơ sở bởi kể từ năm 2026, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh có 48 đội tham dự thay vì 32 như hiện nay.

Cơ hội tới World Cup đã mở ra cho các nền bóng đá đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch trên, Ban chấp hành VFF quyết định sẽ cử đội tuyển U.21 Việt Nam tham dự Giải vô địch U.23 Đông Nam Á 2022 và Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19).

Trong khi đó, đấu trường chính của đội tuyển U.23 Việt Nam trong năm 2022 là vòng chung kết Giải vô địch U.23 châu Á và SEA Games 31. Sự “chia lửa” cần thiết này không chỉ tạo điều kiện để nhiều tài năng trẻ có cơ hội cọ xát mà còn giúp nhiều cầu thủ tránh được cảm giác “chán bóng” khi thi đấu với mật độ dày.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Trần Quốc Tuấn. Ảnh: TTO

Sẽ có ý kiến cho rằng, việc để đội tuyển U.21 tham dự đấu trường ASIAD là liều lĩnh và quá sức. Tuy nhiên, nếu không dám nghĩ lớn thì không thể thành công, bởi chính lứa U.21 là chủ lực của bóng đá Việt Nam trong mục tiêu hướng tới World Cup 2026. Trước đó, tại ASIAD 18, bóng đá Nhật Bản đã cử lứa U.21 tham dự nhằm chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 và gặt hái được thành công. Và đây có thể xem là hình mẫu để đội tuyển U.21 Việt Nam học hỏi nhằm tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu.

Xem vòng chung kết Giải bóng đá U.21 quốc gia 2021 mới thấy, bóng đá Việt Nam không thiếu những cầu thủ tài năng. Nhưng để biến những tài năng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đủ sức chinh chiến ở các giải đấu cấp cao của châu lục và thế giới thì vẫn còn cả một quá trình dài. Trong đó không chỉ là tập huấn, thi đấu quốc tế mà rất cần được áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống y tế và dinh dưỡng cho cầu thủ đạt tiêu chuẩn...

Bài học từ AFF Cup 2020 vẫn còn đó khi đội tuyển Việt Nam sứt mẻ lực lượng vì chấn thương dẫn đến thành tích thi đấu không như mong muốn. Và một khó khăn khác đang chờ đón đội tuyển từ khoảng trống mà bác sĩ Choi Ju-young để lại sau khi ông chia tay bóng đá Việt Nam để trở về quê hương Hàn Quốc. 

Ngoài thể lực, vấn đề dinh dưỡng vẫn khiến những người trong cuộc lo lắng. Huấn luyện viên Park Hang-seo từng than phiền rằng, nhiều cầu thủ Việt Nam vẫn ăn uống theo sở thích cá nhân. Thói quen này không bảo đảm đủ chất dinh dưỡng để bù đắp vào năng lượng các cầu thủ đã tiêu tốn khi tập luyện và thi đấu.

Một công thức được người hâm mộ bóng đá chỉ ra rằng: World Cup = tiền bạc + khoa học. Nghĩa là, một đội tuyển quốc gia muốn tiến tới World Cup thì cần sự đầu tư rất lớn về tiền bạc và áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật. Bóng đá Việt Nam đã dám nghĩ lớn khi hướng tới mục tiêu World Cup thì đội tuyển rất cần sự chung tay, góp sức từ các nguồn lực trong xã hội. 

HOÀI PHƯƠNG