Khi dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp thì V-League nói riêng, thể thao nước nhà nói chung càng phải biết cách vận dụng, phát huy bản lĩnh, xác định tâm thế “chung sống bình thường” để duy trì hoạt động thể thao “thích ứng cùng dịch bệnh”.
Quay ngược thời gian, 2020 là mùa giải đặc biệt nhất trong lịch sử của giải đấu V-League, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù phải tạm hoãn và nhiều lúc công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng cuối cùng mùa giải đã kết thúc thành công, với sự lên ngôi của Viettel. Sự trở lại của bóng đá Việt Nam trong năm 2020 là minh chứng sống động cho chiến thắng đại dịch nói chung của cả đất nước, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
 |
Tiền vệ Hoàng Đức (Viettel, bên trái) và Quang Hải (Hà Nội FC) đều đặt mục tiêu cùng đội nhà có thành tích cao nhất ở mùa giải V-League 2022.Ảnh: THIÊN THANH |
Tuy nhiên đến mùa giải 2021, mọi chuyện đã không còn là màu hồng. Hủy giải giữa chừng là cái kết rất đắng với nhiều đội bóng và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Hủy giải V-League 2021 khiến nhiều bên bị thiệt hại, từ câu lạc bộ (CLB), nhà tài trợ, người hâm mộ, VFF, nhưng nguy hại hơn đó là các đội tuyển quốc gia không có được lực lượng tốt nhất để chinh chiến. Ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là hủy giải vô địch quốc gia. Phải đến khi đội tuyển Việt Nam có được chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc vào mồng Một Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thì thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo mới giải tỏa được tâm lý.
Đúc rút kinh nghiệm từ hai mùa giải đầy sóng gió, đến mùa bóng 2022, các CLB ở V-League lẫn ban tổ chức giải đấu, VFF, đều lên nhiều kịch bản, xác định tâm thế chủ động ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên phải thấy rằng, nếu như ở mùa giải V-League 2020, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp nước nhà thay đổi thể thức thi đấu V-League, giúp mùa giải cán đích thành công, tạo ra những nét mới, cạnh tranh quyết liệt ở các cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng, được giới chuyên môn, người hâm mộ, truyền thông đánh giá cao về công tác tổ chức, tính minh bạch của giải đấu thì đến mùa bóng 2021, “cái khó đã bó cái khôn”, để lại nhiều sự day dứt, tiếc nuối.
Hai năm qua, V-League chao đảo vì dịch bệnh. Ngay từ vòng 1 V-League 2022, Thanh Hóa đã xin hoãn trận đấu với Hà Nội FC do trong đội có quá nhiều cầu thủ nhiễm Covid-19. Mùa bóng này, nhà tổ chức, các đội bóng sẽ phát huy bản lĩnh, trí tuệ tập thể ra sao là điều được dư luận hết sức quan tâm. Khá ngạc nhiên là sau hai năm lao đao vì dịch bệnh, ở mùa bóng năm nay, rất nhiều đội bóng đã mạnh dạn đầu tư tiền của lẫn con người, hướng đến mục tiêu tranh chấp huy chương. Ngoài những Viettel, Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai thì nay có thêm Bình Định, Nghệ An bộc lộ rõ tham vọng nằm trong tốp 3 khi mùa giải kết thúc. Mong mỏi có thành tích được lãnh đạo một số CLB tuyên bố rõ ràng trong lễ xuất quân, chứ không chỉ úp mở ở chuyện “giấu mình chờ thời”.
Mừng vì các đội đặt nhiều tham vọng, cầu thủ tràn đầy năng lượng, hứng khởi bước vào mùa giải mới nhưng giới chuyên môn, các chuyên gia vẫn còn đó những nỗi lo. Nói như chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì “lo từ bạo lực sân cỏ, thi đấu thiếu fair-play cho tới công tác trọng tài, vấn nạn đốt pháo sáng, rồi quan trọng nhất vẫn là chuyện phòng, chống dịch sao cho tốt...”. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cũng muốn các đội bóng tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ vào sân thi đấu nhiều hơn nhưng xem ra đây là điều khó thực hiện, bởi muốn hay không, các đội bóng đang bị đè nặng bởi áp lực có thành tích. Có thời điểm ban tổ chức giải đưa ra ý tưởng trong việc quy định đăng ký và sử dụng cầu thủ trẻ tại V-League nhưng việc sớm không thành. Tuy nhiên, đã có tín hiệu vui khi một số đội bóng như Becamex Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định, Viettel... đã đăng ký nhiều cầu thủ trẻ ở mùa giải năm nay.
Sau những chiến thắng tưng bừng của đội tuyển nam, nữ quốc gia, mùa giải V-League 2022 như được tiếp thêm sức mạnh, sự hứng khởi. Cổ động viên các vùng, miền háo hức lập hội, nhóm, hồ hởi kéo đến sân vận động. Chiều nay (26-2), Thiên Trường sẽ là điểm nóng khi một vạn CĐV Thành Nam đến sân cổ vũ cho đội nhà Nam Định trong trận đấu với Hoàng Anh Gia Lai.
Mùa giải V-League 2022 được kỳ vọng sẽ có nhiều nhân tố mới bước ra ánh sáng, để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đội tuyển quốc gia. Sau quãng thời gian thăng hoa, cả đội tuyển quốc gia lẫn U.23 Việt Nam đều có sự hụt hẫng về lực lượng kế cận. Chính vì thế, V-League 2022 khởi tranh mang theo nhiều khát khao cùng sự kỳ vọng là vì thế.
V-League 2022 có 13 đội tham dự, do CLB Than Quảng Ninh không đủ điều kiện tham gia giải đấu. Ban tổ chức quyết định sẽ chỉ có một đội xuống chơi ở giải hạng Nhất. Ở chiều ngược lại, sẽ có hai đội bóng ở hạng Nhất được thăng hạng V-League 2023. Đội vô địch V-League 2022 được thưởng 3 tỷ đồng từ ban tổ chức; đội á quân nhận thưởng 1,5 tỷ đồng và đội hạng ba được thưởng 750 triệu đồng. |
KHOA MINH