1. Sau khi đội Australia đánh bại đội tuyển Việt Nam 1-0 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội) vào tháng 9-2021, trong khuôn khổ vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, phóng viên thể thao người Australia Lee Gaskin đã viết trên Twitter, ví mặt sân Mỹ Đình giống như “bãi cỏ cho bò gặm”.

Lập tức, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao vào cuộc, yêu cầu làm mới mặt sân Mỹ Đình. Mọi chuyện được giải quyết rốt ráo, trước trận đấu Việt Nam gặp Nhật Bản (ngày 11-11-2021), mặt cỏ sân Mỹ Đình đẹp không khác gì mặt cỏ các sân ở Giải ngoại hạng Anh.

leftcenterrightdel
       Mặt sân Mỹ Đình rất kém trong trận đội tuyển Việt Nam thắng Myanmar 3-0 tại vòng bảng AFF Cup 2022.Ảnh: NGÔ VIỆT TRUNG.

Nhưng vấn đề ở đây là sự khác biệt giữa mặt sân và mặt cỏ, nó như câu chuyện tốt gỗ và tốt nước sơn. Hẳn cổ động viên còn nhớ, đầu trận Việt Nam-Nhật Bản, Minamino bỏ lỡ cơ hội đầu tiên khá vô duyên. Cú cứa lòng của tiền đạo xứ phù tang đưa bóng vọt xà khiến khán giả trên sân Mỹ Đình không tin vào mắt mình. Không lẽ trình độ của ngôi sao Nhật Bản (thời điểm đó đá cho Liverpool, hiện đang khoác áo Monaco) lại dở như cú sút trên? Đến tình huống kế tiếp, Minamino tăng tốc, dẫn bóng vào đến vòng cấm thì đột nhiên bóng nảy bần bật như thể các cầu thủ chơi ở một giải “phủi” nào đó. Nhưng đẳng cấp của Minamino đã lên tiếng, anh thích ứng được với độ nảy của bóng, chọn đúng thời điểm, căng ngang vào trong đúng đà Junya Ito ập tới, ghi bàn thắng duy nhất trận đấu.

Hóa ra, mặt cỏ “tốt nước sơn” không thể mãi lừa được Minamino. Mặt nền sân rất quan trọng đối với các trận cầu. Muốn làm cho mặt nền sân phẳng, chắc đòi hỏi kinh phí lớn. Nhiều sân ở giải hạng Nhất quốc gia, thậm chí là ở V-League, nền sân vẫn mấp mô như mặt ruộng, dù đã nhiều lần (ban quản lý sân) cho xe vào lu. Mặt sân xấu thì cầu thủ dễ chấn thương, chuyền, sút đều khó chuẩn.

Mặt cỏ thì có cỏ to, cỏ nhỏ, cỏ dày, cỏ thưa, cỏ cao, cỏ thấp. Mặt cỏ liên quan tới tốc độ bóng lăn và tốc độ di chuyển của cầu thủ. Mặt cỏ có thể đánh lừa khán giả, nhất là khán giả xem trận đấu qua ti vi, thiết bị điện tử. Còn mặt sân lúc vào trận thì lộ rõ “tốt gỗ” hay “tốt nước sơn”.

2. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tại các sân vận động hiện đại, ban quản lý sân lắp hệ thống tưới nước tự động, đặt các màng nilon lớn trên mặt cỏ để che mưa, đề phòng ngập úng... đó là những thứ sân Mỹ Đình còn thiếu. Thôi thì chấp nhận khi đội tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup 2022, cũng là thời điểm dịch bệnh bùng phát nên mọi chuyện có thể thông cảm. Còn hiện tại là AFF Cup 2022 mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Ban Quản lý Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình biết trước kế hoạch đến cả năm. Khán giả nước nhà xem các trận đấu AFF Cup 2022 tự cảm thấy xấu hổ khi mặt sân và mặt cỏ sân Mỹ Đình kém nhất khi so với các sân khác.

Thậm chí, ngay cả người trong cuộc cũng lên tiếng phản ánh, khi trung vệ đội tuyển quốc gia Việt Anh cho rằng: “Tôi nghĩ mặt cỏ sân Mỹ Đình chưa thực sự tốt, sân thi đấu lún hơn sân tập tại VFF”. Để có mặt cỏ đẹp không khó, nhưng để mặt sân không bị lún thì thực sự không đơn giản. Thời gian gần đây, mỗi trận đấu của đội tuyển quốc gia trên sân Mỹ Đình, VFF bỏ ra 800 triệu đồng để thuê sân. Tiền thuê cao thì cơ sở vật chất phải tương xứng. Đội bóng nào đá AFF Cup 2022 ở sân Mỹ Đình cũng chê chất lượng sân. Thêm cả những sự cố trước đó trong trận giao hữu với câu lạc bộ Dortmund không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá nước nhà mà còn có tác động xấu đến lĩnh vực du lịch. Cầu thủ, huấn luyện viên, ban lãnh đạo các đội bóng quốc tế sẽ kể gì với người nhà, bạn bè sau khi sang Việt Nam thi đấu?

3. Còn đó mục tiêu tham dự World Cup 2030 của bóng đá Việt Nam. Đó là một kế hoạch tầm cỡ, đầy tham vọng, có cơ sở khả thi. Giấc mơ dự World Cup phải bắt đầu từ những điều tốt đẹp nhất. Nếu mặt sân, mặt cỏ sân Mỹ Đình cứ tệ trong thời gian tới mà lại bắt cầu thủ, đội tuyển quốc gia phải “cày” cho tham vọng dự World Cup hay các mục tiêu khác thì quả là thiếu công bằng.

HÀ THÀNH