Khó khăn là vậy nhưng đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng như nhiều đội tuyển khác vẫn quyết tâm giành thành tích cao tại SEA Games 31.

Chưa thoát cảnh “tập chay”

Trước mỗi giải đấu, điều người hâm mộ quan tâm ở đội tuyển bắn súng Việt Nam là các tuyển thủ đã được trang bị đủ súng, đạn để tập luyện? Mang băn khoăn này hỏi bà Vũ Thị Anh Đào, phụ trách bộ môn bắn súng (Tổng cục Thể dục thể thao), chúng tôi nhận được câu trả lời: “Theo đúng giáo án, hiện nay lượng súng, đạn chưa đủ để các tuyển thủ tập luyện với cường độ cao. Theo dự kiến, trong tháng 4 tới, trang thiết bị sẽ được nhập khẩu về. Nhưng đó mới chỉ là dự kiến”.

leftcenterrightdel
 Đội tuyển bắn súng Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31.

Bà Vũ Thị Anh Đào cho biết, theo quy định mới, các đơn vị nhập súng, đạn từ nước ngoài theo đơn đặt hàng thay vì chủ động mua về như trước. Thông thường, đầu năm, bộ môn bắn súng sẽ trình lượng súng, đạn cần mua trong một năm và phải chờ đến cuối năm mới nhận được trang thiết bị. Bà Đào lý giải, súng, đạn thuộc danh mục vũ khí thể thao, đòi hỏi những quy định khắt khe khi nhập khẩu. Mặc dù có nguồn lực đầu tư cho đội tuyển bắn súng Việt Nam, song rào cản về thủ tục pháp lý khiến việc nhập khẩu các trang thiết bị trở nên khó khăn, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19. “Điều tôi lo lắng nhất lúc này là việc sửa chữa trường bắn của Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện để các VĐV tập làm quen với bia điện tử mới. Nhiều trang thiết bị thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu giáo án tập luyện với cường độ cao”, bà Vũ Thị Anh Đào cho biết thêm.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nhung, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam chia sẻ, bắn súng là môn đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, trong khi việc mua sắm các trang thiết bị tương đối khó. Cơ chế đã làm các địa phương rơi vào tình trạng khan hiếm súng, đạn, gây khó cho đội tuyển bắn súng Việt Nam. Nếu trong vòng một năm, đơn vị, địa phương hay đội tuyển đề xuất mà không mua được súng, đạn thì phải trả lại kinh phí cho Nhà nước. Năm sau, các đội phải làm kế hoạch mua sắm lại từ đầu và vì thế tiếp tục rơi vào guồng quay đề xuất-chờ-trả lại kinh phí. Ở đội tuyển đã khó, các đơn vị, địa phương còn khó hơn khi hầu hết các VĐV đều phải “tập chay”. Bà Nhung nói: “Muốn VĐV giỏi thì họ cần phải được tập luyện nhiều. Một bài bình thường nhất của bắn súng cần 20 viên đạn bắn thử, 60 viên đạn bắn thật. Khi vào tập luyện với cường độ cao, lượng đạn dành cho VĐV phải gấp 3-4 lần như thế”.

Quyết tâm đạt thành tích cao

Chuẩn bị cho SEA Games 31, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã triệu tập 28 VĐV, 4 huấn luyện viên, 1 chuyên gia. Trong đó, 1 chuyên gia, 1 huấn luyện viên súng trường, 8 VĐV đang tập huấn tại Hàn Quốc tới ngày 10-3. Đội đĩa bay đang tham gia tập huấn tại Thái Lan. Các thành viên còn lại đang tập nhờ tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, do “đại bản doanh” Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội đang sửa chữa. Theo bà Nguyễn Thị Nhung, tại SEA Games 31, đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ tham dự 20 nội dung, phấn đấu giành được từ 5 đến 7 huy chương vàng. Bà Nhung cho biết: “Ai cũng hiểu rằng, nếu một đoàn giành được 7 huy chương vàng thì sẽ chiếm vị trí số 1 chung cuộc. Đội tuyển bắn súng Việt Nam phấn đấu mục tiêu nằm trong tốp 3, nếu thi đấu đúng phong độ, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới vị trí số 1. Hiện tại, có 4 quốc gia đang cạnh tranh vị trí tốp đầu, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore”.

Trong hai năm qua, đội tuyển bắn súng Việt Nam không được thi đấu quốc tế do dịch Covid-19. Để giải quyết khó khăn trên, ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam đã đặt ra các mốc điểm, đích đến cho các VĐV ở từng nội dung tại SEA Games 31. Trong đó, mục tiêu của bắn súng đồng đội là tham dự 5 nội dung, phấn đấu giành từ 2 đến 3 huy chương vàng; tất cả nội dung cá nhân đều phấn đấu vào chung kết. 

Đối với môn bắn súng, kinh nghiệm và sự tự tin là yếu tố dẫn đến thành công. Tại SEA Games 31, Hoàng Xuân Vinh sẽ không thi đấu mà tập trung tối đa cho công tác huấn luyện. Bởi vậy, những xạ thủ kỳ cựu như Trần Quốc Cường (sinh năm 1974) hay Hà Minh Thành (sinh năm 1985) có vai trò quan trọng trong việc dìu dắt và truyền kinh nghiệm thi đấu cho các VĐV trẻ. Xạ thủ Trần Quốc Cường cho biết: “Mỗi tuần một lần, ban huấn luyện dành ra 30 phút để tôi và các VĐV trẻ có dịp trò chuyện với nhau. Năm nay, đội tuyển bắn súng Việt Nam quy tụ nhiều VĐV trẻ nên không tránh khỏi nhiều em căng cứng tâm lý trước giải đấu lớn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất tập luyện, song chúng tôi đều quyết tâm thi đấu và giành thành tích cao nhất tại SEA Games 31”.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG