Việc Đắc Lắc giải thể đội bóng chuyền nam đang thi đấu ở Giải bóng chuyền hạng A toàn quốc cho thấy bức tranh nhiều mảng sáng tối.

Trước khi nói đến bóng chuyền Đắc Lắc, hãy đảo qua bóng chuyền Hà Nội. Những người làm thể thao Thủ đô nhẹ nhõm vô cùng khi Hóa chất Đức Giang đứng ra đầu tư cho bóng chuyền nữ Thủ đô cách đây mấy năm. Có sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp, đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội mùa giải 2020 đã giành ngôi á quân quốc gia. Chỉ riêng việc lọt vào trận chung kết, thầy trò HLV Hữu Hà đã được lãnh đạo đội bóng thưởng 1 tỷ đồng.

 Các thành viên đội bóng chuyền nam Đắk Lắk. Ảnh: NGỌC GIÀU.

Bóng chuyền nam Hà Nội cũng đang thi đấu ở giải chuyên nghiệp toàn quốc nhưng không có được thành công như các đồng nghiệp nữ Thủ đô. Dù Hà Nội không thiếu tiền đầu tư nhưng ngành thể thao Thủ đô vẫn muốn có doanh nghiệp nhận bóng chuyền nam để chia sẻ bớt khó khăn. Cũng có thời gian, bóng chuyền nam Hà Nội đã tiếp cận một vài doanh nghiệp mạnh nhưng do dịch Covid-19, rồi nhiều lý do nữa nên mọi chuyện không đi đến hồi kết. Mạnh như thể thao Hà Nội còn muốn có đối tác cùng “gánh” bóng chuyền, thì việc Đắc Lắc giải thể đội bóng chuyền nam là điều dễ hiểu.

Phải thấy rằng, lãnh đạo tỉnh và ngành thể thao Đắc Lắc rất muốn đầu tư mạnh cho bóng chuyền. Kể từ mùa giải bóng chuyền chuyên nghiệp quốc gia 2004 đến nay, Đắc Lắc chính là địa phương dẫn đầu về số lần đăng cai giải đấu với 8 lần (cho giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2). Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh chỉ 5 lần đăng cai và Hà Nội khiêm tốn hơn với 2 lần đăng cai (giai đoạn 1 mùa giải 2011 và giai đoạn 1 mùa giải 2018). “Hàng xóm” của Đắc Lắc là Gia Lai cũng chỉ 1 lần đăng cai vào giai đoạn 1 mùa giải 2010.

Nói vậy để thấy Đắc Lắc rất muốn phát triển bóng chuyền. Nhưng địa phương này mới đây đã quyết định giải thể bóng chuyền nam, để dồn nguồn lực cho bóng chuyền nữ và các môn thể thao thế mạnh khác như bắn súng, đua thuyền, các môn võ.

Với bóng chuyền, thực tế doanh nghiệp muốn nhận, đầu tư cho đội nữ hơn vì dễ làm hình ảnh, dễ PR và cũng xuất phát từ thực tế người hâm mộ muốn được xem các “chân dài” thi đấu hơn là các nam hảo thủ tranh tài. Dù rất tiếc nhưng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắc Lắc đã có chủ trương giải thể đội bóng chuyền nam của tỉnh. Theo đó, 18 VĐV tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao phải tìm “bến đỗ” mới, còn 13 học viên tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao sẽ được đào tạo môn khác. Việc đột ngột giải thể, chuyển VĐV năng khiếu bóng chuyền sang đào tạo môn khác như bắn súng, bắn cung, đua thuyền... khiến VĐV, học viên bóng chuyền và phụ huynh không khỏi tiếc nuối, lo lắng.

Đội trưởng Nguyễn Huỳnh Anh Phi đã tham gia đội bóng chuyền Đắc Lắc được gần 8 năm nay, cùng đồng đội đoạt hạng 3 Giải bóng chuyền hạng A năm 2019 và mới đầu năm 2020, Anh Phi cùng 6 đồng đội được ký hợp đồng mới... nhưng tất cả đã chấm dứt khi mọi chuyện thay đổi chóng mặt. Anh Phi cho hay: “Mới đây nghe tin đội bóng sẽ tan rã tôi và đồng đội đang rất buồn”.

Ông Phan Xuân Hùng, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắc Lắc) thừa nhận việc giải tán đội bóng chuyền nam là việc đáng tiếc nhưng vẫn phải làm: “Sở có chủ trương giải thể đội bóng chuyền nam để tập trung phát triển các môn thế mạnh có thành tích. Đối với các VĐV bóng chuyền năng khiếu sẽ được chuyển sang đào tạo các môn khác phù hợp, các VĐV lớn cũng có thể chuyển môn... Đúng là cuộc chia ly nào cũng buồn nhưng điều kiện hiện tại buộc sở phải quyết định như vậy”.

NGUYỄN THƯ