Trước ngày V-League và Giải hạng Nhất quốc gia năm 2021 khởi tranh, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Anh Tú, Ủy viên Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để hiểu thêm về công tác tổ chức và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
Phóng viên (PV): Thưa ông, yếu tố nào đã giúp các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam về đích an toàn, được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong năm 2020 đầy biến động?
 |
Ông Trần Anh Tú.Ảnh: ĐỨC ĐỒNG. |
Ông Trần Anh Tú: Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công. Trước hết là do Chính phủ đã khống chế được dịch Covid-19 trong cộng đồng, nhờ đó các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mùa giải 2020 được tổ chức. Thứ hai là VPF đã luôn chủ động các kế hoạch thi đấu để phù hợp với tình hình mới, dự đoán diễn biến của dịch để xây dựng lịch thi đấu kịp thời ngay khi giải được phép tổ chức. Năm 2020, lần đầu tiên VPF đã đề xuất với VFF thay đổi thể thức thi đấu, chia làm hai giai đoạn. Việc tách nhóm ở giai đoạn hai đã thực sự làm cho giải diễn ra gay cấn và hấp dẫn. Đây cũng là cơ sở để VFF tiếp tục áp dụng thể thức thi đấu này tại mùa bóng năm 2021.
PV: Vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua là công tác trọng tài. Để giải quyết được vấn đề này, VPF sẽ có kế hoạch gì trong mùa bóng 2021, thưa ông?
Ông Trần Anh Tú: Công tác trọng tài ở giai đoạn 1 V-League 2020 có quá nhiều sai sót, làm thay đổi kết quả một số trận đấu. Trước tình hình đó, Thường trực VFF đã có nhiều cuộc họp với Ban trọng tài để tìm cách khắc phục những bất cập. VPF đã đề xuất với VFF thay đổi cách tập huấn giữa mùa giải để giúp các trọng tài nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ngay sau mỗi vòng đấu, VPF kịp thời cắt băng hình các tình huống mà trọng tài cần phải rút kinh nghiệm để Ban trọng tài gửi cho lực lượng trọng tài làm nhiệm vụ. Qua đó phần nào đã giảm được sai sót của trọng tài trong giai đoạn hai. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì lực lượng trọng tài bóng đá Việt Nam đang thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Đây là hệ quả của cả một quá trình đào tạo không tốt của Ban trọng tài VFF. VFF cần phải yêu cầu Ban trọng tài thay đổi việc đào tạo theo hướng tích cực, phải phát hiện và chủ động đào tạo, sử dụng những trọng tài có khả năng chuyên môn và đạo đức.
 |
Vấn đề trọng tài khiến lãnh đạo VPF trăn trở thời gian qua.Ảnh: HẢI ĐĂNG. |
PV: Theo ông, số tiền thực tế mà mỗi đội bóng cần phải chi để hoạt động trong một mùa giải là khoảng bao nhiêu?
Ông Trần Anh Tú: 35 tỷ đồng là số tiền được quy định trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp áp dụng cho các đội tham dự V-League. Trong khi đó, các đội tham dự hạng nhất quốc gia là 15 tỷ đồng. Quy chế này được VFF xây dựng đã lâu nên nhiều điều khoản, kể cả số tiền trên không còn phù hợp nữa. VFF đã sửa đổi và bổ sung nhiều điều khoản trong quy chế này để trình Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê chuẩn. Để nuôi một đội bóng tham dự V-League, theo tôi số tiền ít nhất để bảo đảm hoạt động là khoảng 50 tỷ đồng.
PV: Với vai trò tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, VPF đã có những hỗ trợ gì cho các đội bóng trong thời gian qua?
Ông Trần Anh Tú: Như tôi đã từng nói, chỉ cần VPF làm ăn có lãi thì sẽ hỗ trợ cho các đội bóng. Thực tế, VPF hằng năm vẫn kinh doanh có lãi và vẫn hỗ trợ cho các câu lạc bộ (CLB). Năm 2019, VPF đã hỗ trợ 16 tỷ đồng cho các CLB. Năm 2020, dù tình hình kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Bóng đá thế giới nên VPF vẫn hỗ trợ cho các CLB 16 tỷ đồng. VPF đang nỗ lực tăng thêm nguồn thu từ bán quảng cáo và các nguồn khác để nâng số tiền hỗ trợ cho các CLB.
PV: Ông vừa tái đắc cử chức Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 2020-2023 với số phiếu tuyệt đối. Ông nghĩ sao về sự ghi nhận và kỳ vọng này?
Ông Trần Anh Tú: Hình ảnh các mùa giải từ năm 2018 đến năm 2020, đặc biệt là thành công của mùa giải 2020 đã giúp cho uy tín của VPF tăng lên, qua đó cũng giúp cho uy tín cá nhân của tôi tăng theo. Bóng đá Việt Nam tuy những năm qua đã thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng các giải trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Mô hình hoạt động của nhiều CLB vẫn còn chưa chuyên nghiệp theo tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá châu Á nên sự bền vững chưa cao, làm hình ảnh của giải bị ảnh hưởng rất nhiều. Chưa kể, bóng đá Việt Nam vẫn chưa hình thành thị trường kinh doanh như ở các nước khác nên việc bán quảng cáo không hề dễ dàng. Ngoài ra, chúng ta chưa có những công ty lớn có đủ khả năng đứng ra bán quảng cáo cho bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung như ở nước ngoài. Nếu có những công ty như vậy, VPF sẽ có cơ hội tập trung vào chuyên môn hơn thay vì phải căng sức đi bán quảng cáo. Việc các CLB tiếp tục bầu tôi làm Chủ tịch HĐQT VPF cho tôi hiểu rằng, mọi người đang rất hy vọng tôi tiếp tục nâng cao vị thế của VPF cả về việc tổ chức điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cũng như phải tăng được nguồn thu cho VPF. Đây là một sức ép rất lớn nên tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong nhiệm kỳ 2020-2023. Chúng tôi sẽ cố gắng điều hành giải đấu chuyên nghiệp năm 2021 một cách tốt nhất.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
HỮU TRƯỞNG (thực hiện)