Loay hoay tìm đầu ra

Kể từ khi thành lập năm 2001 đến nay, bộ môn đấu kiếm thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao (TDTT) Hà Nội đã đào tạo được khoảng 200 VĐV, đóng góp cho đội tuyển quốc gia nhiều kiếm thủ chất lượng.

Mặc dù khẳng định các VĐV đấu kiếm Hà Nội được triệu tập lên đội tuyển quốc gia hiện nay đều có đủ trình độ trở thành huấn luyện viên (HLV) nhưng ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội thừa nhận: “Trong số 200 VĐV kể trên thì có từ 20 đến 30% VĐV sau khi giải nghệ về làm các công việc truyền thống của gia đình; hơn 50% VĐV tự kinh doanh hoặc kiếm những công việc khác; chỉ có 7,5% (tương đương với 15 VĐV) phát triển thành HLV”.

leftcenterrightdel

Giây phút vinh quang mừng chiến thắng của các vận động viên điền kinh Việt Nam. Ảnh: VIỆT AN  

Theo lý giải của ông Phạm Anh Tuấn, một phần vì chỉ tiêu tuyển biên chế tại các cơ sở thể thao công lập hạn chế và mức lương không bằng nhiều ngành nghề khác; phần vì các em phải đi làm nhiều nghề cùng lúc để lo toan cuộc sống. “Đa phần VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp phải tự lo toan và kiếm việc phù hợp với bản thân. Ai gắn bó với thể thao cũng đều muốn sau này làm đúng ngành, nhưng đôi khi tình yêu phải giấu kín trong lòng vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Sau khi giải nghệ, hầu hết VĐV phải “tự bơi” là chính”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

Đa số VĐV đều chung nỗi lo sẽ làm gì sau khi giải nghệ, bởi thời gian thi đấu đỉnh cao chỉ kéo dài khoảng 10 năm. Chính vì nỗi lo tương lai, nhiều VĐV đành từ bỏ đam mê thể thao ở độ tuổi đẹp nhất để chớp lấy cơ hội khác. 

Đại úy QNCN Đỗ Quốc Luật, VĐV điền kinh thuộc Đoàn TDTT Bộ đội Biên phòng bày tỏ: "Nếu sau khi giải nghệ mà làm một công việc khác thì gần như VĐV sẽ phải học lại từ đầu. Khi ấy, tâm lý bỡ ngỡ, chán nản, thậm chí mất niềm tin là điều không tránh khỏi. Bởi vậy, việc được bảo đảm chế độ, chính sách và định hướng việc làm từ sớm cần được giải quyết để giúp các VĐV yên tâm cống hiến”.

Cần cơ chế đặc thù

Theo thống kê của Cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có gần 22.000 VĐV thuộc các tuyến (bao gồm các đội tuyển quốc gia và các đội tuyển thuộc tỉnh, thành phố, ngành). Dù được tạo điều kiện, hỗ trợ hết mức, chỉ có khoảng 15-20% tuyển thủ quốc gia và VĐV xuất sắc sau khi giải nghệ trở thành HLV hay giáo viên thể chất. Sau ánh hào quang, có tới 60-70% số VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh, thành phố, ngành thuộc diện chính thức nhiều năm, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp phải bắt đầu một công việc khác.

leftcenterrightdel
Phần thi đấu đối luyện của các vận động viên vovinam Việt Nam tại SEA Games 32.

Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29-4-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, quy định: "VĐV đạt huy chương tại Olympic, Asian Games và SEA Games được ưu tiên xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng". Trên thực tế, quá trình triển khai nghị định gặp nhiều bất cập, nhất là các cơ sở thể thao công lập không có đủ chỉ tiêu biên chế để giải quyết việc làm cho VĐV sau khi giải nghệ.

Dẫn chứng tại Nghệ An: Năm 2020, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Nghệ An được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT Nghệ An với Trung tâm Thi đấu và Dịch vụ thể thao Nghệ An. Sau khi sáp nhập, trung tâm mới có 44 biên chế, nhưng theo quy định tinh giản biên chế, đến nay chỉ còn 40 biên chế. Để giải quyết vấn đề này, trung tâm đã trình kế hoạch để HĐND tỉnh Nghệ An phê duyệt cơ chế đặc thù, trong đó cho phép thuê khoán HLV với mức 15 triệu đồng/người/tháng, với số lượng 3 HLV trong giai đoạn 2022-2025 và mỗi năm bổ sung không quá 3 HLV. Những VĐV Nghệ An sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu nếu đáp ứng đủ tiêu chí sẽ được thuê làm HLV theo hợp đồng. 

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Nghệ An phân tích: “Để giải quyết đầu ra, VĐV khi đang thi đấu đỉnh cao cần được tạo điều kiện về học tập tích lũy để sau này bảo đảm đủ bằng cấp, kinh nghiệm làm công tác huấn luyện. Mặc dù nghị định đã quy định rất rõ về đặc cách tuyển dụng nhưng không nói là làm cách nào để được bổ sung chỉ tiêu biên chế. Hiện nay, đa số cán bộ thể thao ở địa phương kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Trong khi đó, thể thao là lĩnh vực đặc thù, không thể bắt HLV môn võ thuật huấn luyện môn bơi được. Thể thao Việt Nam cần cơ chế đặc thù để giải quyết chế độ, chính sách, việc làm phù hợp cho VĐV sau thi đấu đỉnh cao".

Thời gian qua, Cục TDTT đã tích cực phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề và bố trí việc làm cho các VĐV sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Trên thực tế, những việc làm trên đa phần là lao động chân tay, trong khi hầu hết VĐV muốn gắn bó với lĩnh vực thể thao. Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục TDTT, VĐV có tố chất, bản lĩnh và cần cù mà không phải người bình thường nào cũng có được. Họ có thể làm việc trong môi trường kỷ luật và chịu được nhiều áp lực. Nếu được định hướng tốt, nhiều VĐV sau này có thể trở thành những người thành đạt trong cuộc sống.

Dù mong muốn được chứng kiến các VĐV nổi tiếng sau này tiếp tục gắn bó với sự nghiệp huấn luyện thể thao nhưng bà Lê Thị Hoàng Yến thừa nhận có nhiều yếu tố tác động, trong đó có việc chỉ tiêu biên chế tại các cơ sở thể thao công lập ngày càng giảm; và không phải VĐV nào giỏi cũng có thể trở thành HLV tốt. “Ngoài tài năng, các VĐV có quãng thời gian dài gắn bó với thể thao thành tích cao nên họ rất hiểu cách phục hồi chấn thương ra sao, kỹ thuật khởi động, tập luyện và thi đấu như thế nào. Bởi vậy, sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, các VĐV có thể lựa chọn một số công việc phù hợp như trợ lý thể thao, HLV thể thao phong trào, bác sĩ thể thao phong trào, HLV cá nhân... chứ không nhất thiết phải làm trong cơ quan nhà nước".

Thời gian qua, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội đã phối hợp tổ chức các lớp học tại chức thuộc chương trình đại học TDTT ngay tại trung tâm, thay vì các VĐV phải sang tận Bắc Ninh theo học như trước. Nhờ đó, các VĐV thể thao Hà Nội có nhiều cơ hội hoàn thành chương trình đại học đúng thời hạn, tích lũy đủ yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm trước khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. 

 

HỮU TRƯỞNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.