Trước khi mùa bóng 2022 khởi tranh, Hoàng Anh Gia Lai gây bất ngờ khi ký hợp đồng chuyên nghiệp với 10 cầu thủ trẻ, trong đó có nhiều tài năng mới ở tuổi mười tám, đôi mươi. Với Sông Lam Nghệ An, câu chuyện về tất cả những cầu thủ nội đều là người con xứ Nghệ đang truyền đi thông điệp về một sự hồi sinh của lò đào tạo bóng đá quê nhà. Trong khi đó, Viettel FC đặt trọn niềm tin vào những cầu thủ “cây nhà lá vườn” còn trẻ măng thay vì vung tiền mua sắm “bom tấn” như những mùa giải trước đây...
 |
Các cầu thủ CLB Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Thể thao văn hóa. |
Điều gì khiến các câu lạc bộ (CLB) mạnh dạn sử dụng những cầu thủ trẻ? Đầu tiên là "chữa cháy". Trước bối cảnh đời sống bóng đá biến động không ngừng, chiến thuật dần bị các đối phương bắt bài, nhiều nhà cầm quân trông vào sự sáng tạo, đột phá của những tài năng trẻ.
Chuyện các trụ cột chán bóng, thiếu động lực phấn đấu khi không gặp nhiều sự cạnh tranh ở CLB khiến một số đội bóng khởi đầu ì ạch, đánh mất hình ảnh và phong độ. Hơn nữa, tin vào cầu thủ trẻ cũng là cách để nhiều đội bóng tiết kiệm ngân quỹ trong bối cảnh tài chính bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19.
Thành tích thi đấu quốc tế ấn tượng của các đội tuyển quốc gia thời gian qua phần nào làm thay đổi tư duy trong đầu tư cho bóng đá của các ông bầu. Trách nhiệm của các CLB trước hết phải là phục vụ lợi ích của mỗi địa phương, phục vụ nền bóng đá quốc gia. Hoàng Anh Gia Lai chưa vô địch V-League suốt 18 năm qua, song đội bóng này vẫn được đông đảo người hâm mộ yêu mến bởi việc đóng góp quân số chủ lực cho đội tuyển Việt Nam.
Hình ảnh của Hà Nội FC mấy năm gần đây được nâng tầm quốc tế nhờ sở hữu trong đội hình những tuyển thủ chất lượng như Quang Hải hay Hùng Dũng. Lợi ích mà các đội tuyển quốc gia mang lại cho nhiều CLB không chỉ là hình ảnh, tiền bạc mà còn là vị thế trong nền bóng đá Việt Nam. Muốn có nhiều cầu thủ phục vụ đội tuyển thì không có gì khác là các CLB phải bồi dưỡng, chăm lo, vun đắp cho các “mầm xanh” bóng đá.
Lâu nay, V-League mắc phải căn bệnh cố hữu khi nhiều đội bóng luôn phụ thuộc vào các ngoại binh. Tâm lý một cầu thủ ngoại tốt có thể gồng gánh cả đội, triết lý dồn bóng cho các “ông Tây” cậy thể hình và sức mạnh để càn lướt đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Một thời, SHB Đà Nẵng “làm mưa làm gió” tại các sân chơi quốc nội nhờ có chân sút lợi hại Gaston Merlo, Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC) từng sở hữu chân sút ngoại lợi hại Hoàng Vũ Samson, Quảng Nam lập kỳ tích vô địch V-League 2017 nhờ chân sút người Brazil Claudecir... Hệ quả để lại là nhiều năm qua bóng đá Việt Nam không có tiền đạo giỏi do các tài năng trẻ không thể tranh suất thi đấu với các ngoại binh.
Căn bệnh phụ thuộc vào ngoại binh phần nào được đẩy lui trong tư duy làm bóng đá của các CLB tại V-League 2022. Điều đó thể hiện sự trách nhiệm của các ông bầu với bóng đá Việt Nam, bản lĩnh của các nhà cầm quân khi dám “đứng mũi chịu sào” về thành tích của đội bóng.
Thành công bước đầu đã thấy rõ khi sân cỏ cả nước thời gian gần đây đón lượng cổ động viên hùng hậu; nhiều tài năng trẻ khi được triệu tập lên các đội tuyển quốc gia đã bung nở tài năng, mang vinh quang về cho bóng đá nước nhà. Một tương lai mới đầy hứa hẹn đang chờ đợi bóng đá Việt Nam.
HỮU TRƯỞNG