“Tây đè”, tiếng thảng thốt kêu lên sau hai tình huống liên tiếp hậu vệ Duy Thường của Viettel FC bị tiền đạo Success của Công an Hà Nội FC đè bật rồi ghi bàn dễ dàng. Tất nhiên có lỗi của Duy Thường và hàng thủ mắc sai số trong cách nhập cuộc của Viettel FC, song việc tranh chấp tay đôi giữa cầu thủ nội thua thiệt về thể lực, tốc độ với ngoại binh không có gì lạ. Không chỉ thế, trường hợp của Duy Thường còn bị kẹp giữa hai mũi công ngoại của Công an Hà Nội FC trong cấu trúc binh lực ở đây là rất rõ. Khi đã có dàn cầu thủ nội xuất sắc đủ sức đảm đương các tuyến dưới, đội bóng ngành công an đã tăng cường hàng tiền đạo bằng 3 ngoại binh mạnh mẽ, kinh nghiệm và sắc sảo bậc nhất V-League. Khi bộ ba Jhon Cley-Henrique-Success hòa nhập được với nhau và với cả đội lập tức không người này thì người kia ghi bàn.
 |
Raphael Success gia nhập Công an Hà Nội sau khi hết hợp đồng với Police Tero. Ảnh: ithethao.vn |
“Tây đè” thực chất đơn giản là “tiền đè”. Vấn đề là liệu V-League có bị kéo vào cuộc đua tiền bạc giống như trào lưu đã và đang dâng lên khôn lường trên phạm vi toàn cầu? Đồng thời với đó là sự ngưng trệ, mất phương hướng trong bồi dưỡng, phát triển tài năng cầu thủ nội, nhất là các tiền đạo? Nhìn vào những tác động có cả thuận và nghịch, thấy rằng có điều đáng lo cũng như đáng mừng.
Lo là sự cạnh tranh ngày càng cao sẽ dẫn đến phân hóa càng mạnh, những đội bóng “con nhà nghèo” sớm bị rớt lại, rơi vào cảnh phải “bán máu”, thậm chí xuống hạng, giải thể. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn, sức sống của một số câu lạc bộ (CLB) “giàu xổi” càng trở nên bấp bênh. Cái lo thứ hai, cũng đã quá quen là đất diễn cho các tiền đạo nội sẽ ngày càng hạn hẹp, kèm đó là đội tuyển quốc gia luôn thiếu tiền đạo chất lượng cao, là các cầu thủ trẻ ít được ra sân mà không nhìn thấy hứa hẹn, khả dụng ở tương lai...
Còn đâu là đáng mừng? Có “Tây giỏi” ta cũng giỏi lên. Các CLB chơi hay hơn, có nghề hơn, giải đấu sẽ hấp dẫn hơn, trước mắt ở các giải đấu châu lục hay sắp tới là cả khu vực không lép vế mà còn nhiều hy vọng. Với các cầu thủ, ngoại binh giỏi vừa là đồng đội, đối tác thuận lợi, vừa là hình mẫu cả chuyên môn lẫn tính chuyên nghiệp. Mặt khác, hiểu ngoại binh mới biết cách ngăn cản, khắc chế họ. Đây là điều được khẳng định đã giúp nâng hẳn chất lượng cầu thủ nội nói chung và tuyển thủ nói riêng trong thời gian qua. Đây cũng là mong ước của các giải đấu nữ, tuyển thủ nữ, nhất là sau khi các cô gái của chúng ta được đá tại vòng chung kết World Cup vừa qua.
Điều đáng mừng khác chính là với các huấn luyện viên. Họ được tính toán, chỉ đạo dùng nhiều dạng nội, ngoại binh đá với nhau để có cơ hội tham gia thực chiến nâng dần trình độ. Những hiện tượng “chuyên gia săn Tây” đã nổi lên, các đòn miếng “dùng Tây trị Tây” đã râm ran như một phần của cuộc chơi.
Cho đến lúc này, quy định chỉ được đưa vào sân 3 ngoại binh vẫn được xem là hợp lý để V-League không biến thành “Tây V-League”, không thành các “đội quân liên hợp quốc” tài năng ngoại áp đảo như ở các nền bóng đá phát triển với tính thương mại cao. Theo những diễn biến mới nhất, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đưa ra quy định về khoảng thời gian đăng ký cầu thủ ngoại được cho là thuận lợi giúp các CLB tuyển chọn cầu thủ ngoại chất lượng hơn. Tất nhiên theo đó các CLB phải có cách làm năng động cùng cách nhìn chuẩn xác để chọn lọc phù hợp, tránh những hợp đồng không ăn chắc. Công an Hà Nội FC mùa này từng mắc lầm lẫn và chính họ đã sửa sai thay thế kịp thời để đội bóng bứt vượt lên sau đó.
Để bóng đá phát triển bền vững, để tài năng trẻ nước nhà tìm thấy cơ hội của mình trong bóng đá đỉnh cao thì công cuộc đào tạo, sử dụng cầu thủ trẻ trước sau vẫn là nền tảng cơ bản. Mừng là chúng ta vẫn đang tích cực đi theo hướng này.
THƯỜNG NGUYỄN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.